Sunday, March 4, 2007

Kim cương đỏ – phép màu ở mức độ nguyên tử

Dmitri Ivanov (Vesti)
Thu Phong (NuocNga.net) dịch


Các nhà khoa học Novosibirsk vừa trở thành tác giả một chấn động thật sự trong thế giới kim hoàn – họ đã tìm được cách biến kim cương vốn có bản chất trong suốt thành những viên đá màu đỏ. Trong quá trình đó họ không nhuộm kim cương – những sự thay đổi xảy ra ở mức độ nguyên tử.

Kim cương được coi là loại đá quý duy nhất mà loại không có màu sắc có giá trị cao hơn. Nhưng kim cương tuyệt đối không màu trong tự nhiên rất hiếm gặp. Thường thì chúng có màu nâu, với chút ánh vàng. Những viên kim cương như thế không làm cho các nhà kim hoàn quan tâm, nhưng nếu chúng đến tay các nhà khoa học Novosibirsk thì chúng sẽ có số phận hoàn toàn khác.

Điều này cũng tương tự như trong câu truyện cổ tích về cô bé Lọ Lem, nhà địa chất Daniil Efremenko nói: đã từng là xấu xí, không ấn tượng, và rồi trở thành đẹp đẽ và rực rỡ. Nói theo ngôn ngữ của các nhà kim hoàn, đó là “đá được quý tộc hóa”. Trong ngành đá quý học thế giới thì những viên kim cương vàng và xanh lá cây vốn không phải là điều hiếm găp. Các chuyên gia Mỹ đã có chúng từ cuối thế kỷ trước. Còn kim cương màu đỏ rực thì đã được làm ra ở Sibiri. Theo lời các nhà khoa học thì “đó là superhit”.

Tác giả của công nghệ độc đáo này tên là Viktor Vins. Ông đã nghĩ về kim cương đỏ từ khi còn làm nghiên cứu viên ở Viện tinh thể đơn (monocrystal), và đã thành công khi đã là tiến sĩ và đồng thời là giám đốc một công ty kim hoàn.

Công việc gồm có mấy giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất – các nhà khoa học kiểm tra cấu trúc của kim cương, để tìm hiểu xem viên kim cương này có khả năng chịu áp lực lớn hay không. Giai đoạn thứ hai – xử lý kim cương trong thiết bị áp suất cao, nơi mà nhiệt độ trên 2000 °C. Giai đoạn thứ ba – xử lý bằng phóng xạ. Viên đá được đưa vào lò phản ứng đặc biệt và gắn vào máy gia tốc electron. Khi thiết bị hoạt động, hiệu điện thế 3 MV sẽ đi qua tinh thể. Tất cả những điều đó xảy ra sau những cửa kim loại nặng tới một tấn rưỡi. Dưới tác dụng của các electron thì kim cương sẽ đổi màu sắc.

“Điều đó xảy ra ở mức độ phân tử, chứ không phải dùng màu để nhuộm. Chúng tôi tạo ra một khiếm khuyết hấp thụ quang phổ trong vùng đỏ. Về mặt hình thức điều này được cảm nhận như là màu đỏ của tinh thể” – tiến sĩ toán lý Viktor Vins nói.

Các nhà tạo mẫu kim hoàn đã quan tâm ngay tới phát minh này. Điều đáng nói là viên đá quý được “quý tộc hóa” nhân tạo này sẽ không đắt hơn kim cương không màu loại tốt. Bởi vì những gì được thiên nhiên tạo ra luôn được đánh giá cao hơn, các nhà kim hoàn nói.

---
Bài đã đăng ở NuocNga.net