Saturday, December 29, 2007

Đêm giao thừa

ĐÊM GIAO THỪA

Aleksandr Blok

Những màn sương mù lạnh lẽo nằm đây
Những đống lửa cháy đỏ bừng rực rỡ
Svetlana thả tâm hồn băng giá
Vào những ước mơ bí ẩn của cuộc chơi

Tuyết xạo xạc - trái tim thót lại
Rồi mặt trăng yên lặng lại hiện ra
Ngoài cổng có ai đang cười rộn rã
Đường phố tối tăm ngoài phía xa xa

Nào hãy nhìn ra ngày lễ tươi vui
Bước xuống bậc thang, che mặt đi thôi
Ôi phiền quá, những dải băng đỏ tươi
Ồ người thương đang đứng bên nhà rồi...

Nhưng sương mù vẫn không lay chuyển
À, ta chờ lúc nửa đêm buông
Ai đó đang thầm thì, cười nói
Và đống lửa vẫn cháy thâu đêm ...

Tuyết xạo xạc - ở phía xa lạnh lẽo
Tia sáng nào đang tìm đến khẽ khàng
Xe trượt tuyết ai vừa mới chạy ngang ...
"Ai đấy?" - chỉ nghe cười đáp lại...

Và bỗng đâu một cơn bão tuyết
Nhuộm khắp hiên nhà trắng xóa một màu
Cơn bão hay ai đang dịu dàng cười nói
Đã bịt mắt tôi trong bão còn đâu ...

Những màn sương mù lạnh lẽo nằm đấy
Mặt trăng khẽ khàng trườn đến xanh xao
Tâm hồn của Svetlana đang ngẫm nghĩ
Và ngượng ngùng với mơ ước ngọt ngào




НОЧЬ НА НОВЫЙ ГОД
Александр Блок

Лежат холодные туманы,
Горят багровые костры.
Душа морозная Светланы
В мечтах таинственной игры.

Скрипнет снег - сердца займутся -
Снова тихая луна.
За воротами смеются,
Дальше - улица темна.

Дай взгляну на праздник смеха,
Вниз сойду, покрыв лицо!
Ленты красные - помеха,
Милый глянет на крыльцо...

Но туман не шелохнется,
Жду полуночной поры.
Кто-то шепчет и смеется,
И горят, горят костры...

Скрипнет снег - в морозной дали
Тихий крадущийся свет.
Чьи-то санки пробежали...
"Ваше имя?"- Смех в ответ...

Вот поднялся вихорь снежный,
Побелело всё крыльцо...
И смеющийся, и нежный
Закрывает мне лицо...

Лежат холодные туманы,
Бледнея, крадется луна.
Душа задумчивой Светланы
Мечтой чудесной смущена...

Sunday, December 2, 2007

Tặng Malvina Mironovna

Sergei Esenin

Tặng Malvina Mironovna


Trong mắt em
Là những đám mây
Trảng cát màu xanh lục
Ngón tay hờ hững
Vuốt lên tà áo đính ren

Gần đó mà xa,
Luôn luôn thế sao em?
Cuộc đời em buồn
Tôi biết mà bất lực.


Сергей Есенин
Мальвине Мироновне —
=

В глазах пески зеленые
И облака.
По кружеву крапленому
Скользит рука.
То близкая, то дальняя,
И так всегда.
Судьба ее печальная —
Моя беда.
9 июля 1916

Friday, November 2, 2007

Biên đạo múa huyền thoại Igor Moiseev qua đời

N.D. (NuocNga.net)
Theo báo chí Nga


Biên đạo múa huyền thoại Igor Moiseev, người sáng lập và lãnh đạo Đoàn nghệ thuật múa dân gian quốc gia Nga đã qua đời sáng ngày 2/11, thọ 101 tuổi.

Moiseev đã trở thành người đặt nền móng cho một hình thức đặc biệt trong nghệ thuật biên đạo – ông đã đưa điệu múa dân gian đến mức hoàn thiện, đặt điệu múa dân gian ngang hàng với các tác phẩm cổ điển dân gian.

Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Igor Moiseev sinh ngày 21/1/1906 ở Kiev, sau đó ông cùng gia đình tới Poltava, rồi sau đó tới Matxcơva. Ông theo học lớp múa ba lê của V.I.Masolova, sau đó tại Trường Múa Nhà hát Lớn trong lớp của A.A.Gorsky.

Sau khi tốt nghiệp trường Múa, ông được nhận làm diễn viên solo của Nhà hát Lớn, và ông cũng bắt đầu hoạt động biên đạo của mình ở đây với các vở diễn “Salambo”, “Ba anh béo”, “Spartak”. Tuy nhiên càng ngày folklore càng quyến rũ ông hơn. Igor Moiseev đã viết thư cho Molotov với đề xuất tổ chức đoàn nghệ thuật múa dân gian. Và nhận được câu trả lời: “Đề xuất tốt. Giao cho tác giả thực hiện”. Ngày 10/2/1937 buổi tập đầu tiên của Đoàn nghệ thuật múa dân gian quốc gia Liên Xô đã diễn ra. Và thế là một tập thể nghệ thuật độc nhất vô nhị thế giới ra đời.

Lễ viếng Igor Moiseev sẽ được tổ chức ngày 6/11 tại Phòng hòa nhạc mang tên Traikovsky.

Bài có liên quan

Monday, October 22, 2007

Nữ diễn viên ba lê Nga Avdotia Istomina – một biểu tượng của ba lê Nga

Lưu Hải Hà (NuocNga.net) tổng hợp

Avdotia Istomina – một biểu tượng lãng mạn của ba lê Nga, thần tượng của toàn xã hội Nga nửa đầu thế kỷ XIX, người đã từng được Aleksandr Pushkin ca ngợi trong tác phẩm nổi tiếng “Evgeny Onegin”.
Đẹp rực rỡ, nhẹ bỗng như không khí
Vâng theo lời cây mã vĩ thánh thần…
Đó là những vần thơ của Aleksandr Pushkin viết về “nàng thơ Terpsichore Nga” (Terpsichore – nữ thần của hát đồng ca và vũ điệu trong thần thoại Hy Lạp). Avdotia Istomina – một biểu tượng lãng mạn của ba lê Nga, thần tượng của toàn xã hội Nga nửa đầu thế kỷ XIX. Arapop, một trong những nhà sử học sân khấu Nga đầu tiên đã viết: “Istomina có chiều cao trung bình với mái tóc đen, ngoại hình đẹp, rất cân đối, có đôi mắt đen rực lửa được che bởi hàng mi dài. Hàng mi này khiến cho khuôn mặt của Istomina có một tính cách đặc biệt. Đôi chân mạnh mẽ, sự tự tin trên sân khấu, và cùng với đó là vẻ duyên dáng, nhẹ nhàng trong chuyển động nhanh…”. Istomina là nhân vật chính của nhiều tin đồn tràn ngập xã hội thượng lưu thời bấy giờ, đối tượng hâm mộ và nguyên nhân những cuộc đấu súng của những người lính cận vệ hào nhoáng, là một diễn viên múa tuyệt vời, là người đầu tiên trên sân khấu Nga múa đứng trên mũi chân.

Con gái của một viên chức cảnh sát nghiện rượu Ilya Istomin và bà vợ Anisia mất sớm của ông – đó là tất cả những gì Avdotia biết về gia đình mình. Avdotia Istomina sinh ngày 17/1/1799. Khi lên sáu tuổi, cô bé Istomina được nhận vào Trường Sân khấu Peterburg theo đề nghị của một nhạc công. Đối với một cô bé sinh ra trong một gia đình nghèo không có quan hệ gì với nhà hát thì đó là một thành công lớn. Đunhia Istomina ít tuổi nhất và nhỏ bé nhất trong lớp, chính vi vậy thời gian đầu cô bé gặp rất nhều khó khăn. Những đứa trẻ được học cơ sở các môn phổ cập giáo dục, tiếng Pháp – vốn là ngôn ngữ nền tảng của toàn bộ thuật ngữ ba lê, và tất nhiên là nghệ thuật múa. Istomina gia nhập trường múa vào một thời điểm hết sức thuận lợi – khi đó diễn viên và biên đạo múa nổi tiếng Charles Didlo vừa trở thành hiệu trưởng trường này. Nhiều người trách móc Didlo vì ông quá nghiêm khắc đến khắc nghiệt đối với học trò của mình. Tuy nhiên ông đối xử với họ, như đối với các nghệ sĩ tương lai. Bởi ông biết rằng sự nghiệp nghệ sĩ không dễ dàng chút nào nên Didlo cố gắng phát triển trong họ không chỉ năng khiếu, mà còn cả tính cách của một người nghệ sĩ chân chính – tính kiên định và khả năng làm việc. Avdotia Istomina là một ví dụ rõ ràng về sự đúng đắn và giàu sức sống của trường phái Didlo. “Sự thể hiện các tình cảm và những biến đổi tâm hồn chỉ bằng cử chỉ và nét mặt hiển nhiên đòi hỏi tài năng lớn, và bà Istomina có tài năng này…”

Lần đầu tiên trong đời Istomina bước ra sân khấu năm lên 9 tuổi trong vở ba lê “Zephir và Flora”. Cùng với các nữ diễn viên múa nhỏ tuổi khác khác Istomina đóng vai trong đoàn thị nữ của Flora, họ tiến ra sân khấu trên một con thiên nga lớn. Từ đó Istomina bắt đầu tham gia các vở kịch thường xuyên hơn, thể hiện nhiều vai diễn trẻ em. Sau đó thì Istomina có cơ hội quay trở lại vở ba lê “Zephir và Flora”, tất nhiên không phải với tư cách học viên nữa, mà với tư cách diễn viên múa. Istomina đã lần lượt đóng gần như tất cả các vai trong vở này, và năm 1818 thì Istomina bắt đầu sắm vai Flora. Sự nhẹ nhàng, duyên dáng, và cùng với đó việc truyền đạt tâm hồn cho vũ điệu đã khiến cho Istomina trở thành nữ diễn viên solo lý tưởng cho vở ba lê này.


Avdotia Istomina trong vai Flora

Avdotia Istomina cảm thụ âm nhạc hết sức tinh tế và được tạo hóa ban cho một sắc đẹp rực rỡ. Theo ý kiến của những người cùng thời thì các họa sĩ chân dung đã không truyền đạt được sắc đẹp này.

Năm 1816 Didlo bắt đầu chuẩn bị dàn dựng vở diễn tốt nghiệp cho các học viên – vở “Atsis và Galatei”. Vở ba lê này được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, và nữ diễn viên mới Avdotia Istomina đã dành được cảm tình nồng nhiệt. Trong vở ba lê này Istomina đã thực hiện vài động tác trên mũi chân – người đầu tiên làm điều này trong số các nữ diễn viên múa Nga. Điều này đã làm công chúng rất phấn khích được chứng kiến kỹ thuật hoàn toàn mới trước đó họ chưa thấy. Cùng với sự biểu cảm và hoàn thiện biên đạo của vũ đạo, điều này đã làm cho Istomina trở thành nữ diễn viên múa hàng đầu, không ai vượt qua trong thời đại của mình. Chính sự trình diễn của Avdotia Istomina trong vở ba lê “Acis và Galatea” đã tạo cảm hứng cho Pushkin sau này miêu tả vũ điệu của bà:
…Giữa đám thủy tiên đang đứng quây quần
Chính là Istomina tuyệt diệu
Một chân này chạm hờ sàn gỗ
Còn chân kia quay chầm chậm xung quanh
Và bỗng dưng cú nhảy - nàng bay nhanh
Tựa sợi lông tơ đang được thần gió cuốn
Thân người cong rồi thẳng ra như uốn
Và chân này nhanh chóng đập chân kia…
Nhiều trí thức thời ấy đánh giá rất cao sự giao tiếp với Istomina. Tính nghệ sĩ là bản chất tâm hồn của Istomina và cho nữ nghệ sĩ một sức mạnh quyến rũ lớn. Pushkin rất thích tính cách của bà – linh hoạt, mãnh liệt, ham hiểu biết. Sự cảm thụ nhạy cảm và khả năng cảm thụ những khía cạnh tinh tế nhất của tình cảm không những làm cho những người đối thoại của bà kinh ngạc, mà còn có thể khiến cho Istomina trở thành một nghệ sĩ kịch nói xuất sắc. Chính Istomina đã trở thành người thể hiện đầu tiên vai Cô gái Cherkeshenka trong vở “Người tù Cáp ca dơ” theo tác phẩm cùng tên của Pushkin.

Istomina cũng rất xuất sắc trong các vở ba lê theo chủ đề thần thoại. Ngoài kỹ thuật múa điêu luyện, bà còn có khả năng nhập vai tuyệt diệu, tìm ra những nét mới rực rỡ cho mỗi vai diễn sân khấu của mình. Istomina cũng có khả năng diễn hài rất tốt, như phê bình thời đó viết, bà không chỉ «múa với sự nhanh nhẹn và linh hoạt tuyệt vời, mà còn là một nữ nghệ sĩ ba lê xuất sắc cho những vai diễn ranh mãnh và nhanh nhẹn”. Tài năng này được thể hiện rõ rệt trong vai Lisa trong vở “Sự đề phòng uổng công”. Trong danh mục các vai diễn của Avdotia Istomina các vai diễn hài xem kẽ với các vai dram, lãng mạn và bi kịch. Và trong tất cả các vai diễn này Istomina đều rất thuyết phục nhờ nghệ thuật nhập vai của mình, nhờ khả năng tìm ra những kỹ thuật sân khấu chính xác để thể hiện vai này hay vai khác. Những vai diễn trong các vở ba lê theo tác phẩm của Pushkin là những thắng lợi rực rỡ của Istomina: “Ruslan và Ludmila” và “Người tù Cáp ca dơ”.

Sau cuộc nổi dậy Tháng Chạp ngày 14/12 thì chính quyền nghi ngờ tất cả những gì liên quan tới Những người Tháng Chạp. Mà Istomina lại là nàng thơ cho toàn bộ nhóm thanh niên yêu tự do này. Cho nên dần dần Istomina bị mất tất cả các vai diễn và bị buộc phải từ giã sân khấu. Buổi biểu diễn cuối cùng của Avdotia Istomina diễn ra ngày 30/1/1836. Buổi tối hôm đó không có vở kịch ba lê, và Istomina đã thể hiện một điệu múa Nga để từ giã khán giả.

Sau khi từ giã sân khấu, Istomina lấy nghệ sĩ Paven Ekunin. Bà qua đời vì bệnh tả ngày 26/6/1848. Sau đó một năm báo chí mới đăng lời cáo phó. Và chẳng mấy ai biết được rằng nấm mộ nhỏ bé với bia mộ đơn giản bằng đá hoa cương trắng tại Nghĩa trang ở Okhta Lớn là nấm mồ của nữ nghệ sĩ vĩ đại. Trên bia mộ chỉ có vài chữ đơn giản “Avdotia Ilinhitna Ekunina, nghệ sĩ về hưu”.

Tổng hợp từ các nguồn:
* RIA Novosti
* TV Culture

Thursday, October 4, 2007

Chuyện một lần phóng vệ tinh đã thay đổi thế giới


50 năm ngày phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên 4/10/1957 – 4/10/2007

Von Simone Schlindwein (Spiegel)
Lưu Hải Hà (NuocNga.net) dịch


Vệ tinh chỉ biết kêu bíp bíp – không biết làm gì hơn. Dù vậy, vệ tinh Xô viết đầu tiên đã khiến cả Washington bị sốc. Ở Mỹ không ai nghĩ tới việc vệ tinh này được phóng, mà nói chung thì ở Matxcơva cũng thế thôi.

Chiều ngày 4/10/1957, khi vệ tinh này đang bay vòng thứ hai vòng quanh Trái đất, thì tại buổi hội kiến tại Đại sứ quán Liên Xô tại Washington có mặt vài chục nhà khoa học chuyên về các khoa học Trái đất đến từ nhiều nước khác nhau. Và chưa ai trong số đó biết rằng, vệ tinh mà họ dự định phóng với mục đích nghiên cứu khoa học hiện đã đang bay quanh Trái đất.

Trong buổi chiều thứ sáu hôm ấy các nhà khoa học “đánh dấu” bế mạc một hội thảo được tổ chức nhân dịp Năm Địa vật lý Quốc tế. Từ tháng 7/1957 cho tới tháng 12/1958, trong giai đoạn mặt trời hoạt động tích cực nhất, các nhà khoa học dự định nghiên cứu tác động của hoạt động mặt trời tới từ trường Trái đất từ vũ trụ. Tất nhiên là phải có sự giúp đỡ của vệ tinh.

Trong giai đoạn căng thẳng đó của thời kỳ chiến tranh lạnh, thì một dự án hợp tác khoa học là một sự kiện hết sức đặc biệt. Mà nói chung thì buổi hội kiến long trọng tại Đại sứ quán Liên Xô thì cũng thế thôi – khi đó các nhà khoa học nguyên tử từ hai phía bức màn sắt cùng làm việc để chế tạo loại bom mới và những tên lửa đẩy liên lục địa.

Trong năm 1955 chính quyền Mỹ tuyên bố rằng Mỹ muốn phóng vệ tinh nhân dịp Năm Địa vật lý Quốc tế. Bốn ngày sau đó thì Liên Xô cũng tuyên bố điều này, mặc dù cũng chẳng nói gì cụ thể về những kế hoạch của mình. Tại cuộc hội kiến ở Đại sứ quán, các nhà khoa học hy vọng rằng cuối cùng thì họ cũng có thể biết được điều gì đó về dự án vũ trụ của Liên Xô. Nhưng họ không thể ngờ rằng họ sẽ được biết nhiều điều đến thế.

Cơ hội cho Korolev: hai tên lửa thừa

Thông báo về việc vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người đã được Liên Xô đưa lên vũ trụ đã làm cho người Mỹ kinh ngạc. Các nhà khoa học Liên Xô thì lúng túng nhận những lời chúc mừng. Đại diện các nhà khoa học Liên Xô – Anatoly Blagonravov buộc phải thừa nhận rằng, quả cầu nhôm nặng gần 84 kg, bán kính 58 cm không đem theo bất kỳ thiết bị khoa học nào, ngoại trừ một cái nhiệt kế và thiết bị phát sóng ngắn.

Vệ tinh chỉ kêu bíp bíp – không biết làm gì hơn. Tuy nhiên tác động chính trị của "chú bé" và những tín hiệu của vệ tinh mà bất kỳ người chơi radio nghiệp dư nào cũng có thể bắt được là hết sức to lớn.

Thậm chí Liên Xô cũng không nghĩ tới một hiệu ứng tương tự, bởi vì họ chỉ nghĩ rằng vệ tinh này là một lối ra nhanh chóng và đơn giản trong tình huống khó khăn lúc bấy giờ. Khi phóng thử tên lửa liên lục địa R-7 thì mô hình đầu đạn hạt nhân thay vì đi tiêu diệt mục tiêu lại bị cháy trong khí quyển – thế là phải làm lại toàn bộ. Khi đó họ chỉ còn có hai tên lửa nữa mà còn phải thử nghiệm, trong lúc các kỹ sư hoàn tất đầu đạn. Và họ đã đưa ra một quyết định hoàn toàn không có trong kế hoạch lúc trước: thay vì phóng tên lửa chỉ để thử nghiệm, thì những tên lửa này còn có thể sử dụng để phóng vệ tinh.

Tuy nhiên thiên thể nhân tạo có trong các kế hoạch này và sẽ được sử dụng để đo từ trường Trái đất, khi đó vẫn còn chưa tồn tại. "Thì Viện Hàn lâm khoa học không kịp chế tạo thiết bị đúng thời hạn, điều thường xuyên xảy ra ấy mà" – ông Boris Chertok, công trình sư hệ thống điều khiển R-7 lúc đó, nay đã 96 tuổi, hồi tưởng lại.

Khi đó Tổng công trình sư Sergei Korolev bèn đề nghị nhanh chóng chế tạo một vệ tinh đơn giản không mang theo bất kỳ thiết bị khoa học nào. Trong trường hợp ngược lại, Chertok nói, quá trình chờ đợi có thể bị kéo dài, và hoàn toàn có thể là khi đó người Mỹ sẽ phóng vệ tinh của mình trước.

Yuri Gagarin và Sergei Korolev.


Chuyện Mỹ đã có thể thắng cuộc chạy đua vào vũ trụ, và tại sao người Nga lại vẫn là những người đầu tiên

Một quyết định y như thế có thể đã được thông qua ở Mỹ - bởi mùa hè năm 1957 trong các cuộc thử nghiệm tên lửa thì các kỹ sư Mỹ đã vượt các đồng nghiệp Nga của mình khá xa. Họ (các kỹ sư Mỹ) chỉ còn việc trang bị thêm tầng trên cùng cho tên lửa, và với sự giúp đỡ của tầng này, như Korolev đề nghị, phóng vệ tinh vào vũ trụ.

Tuy nhiên, khác với Liên Xô, ở Mỹ có hai dự án tên lửa riêng biệt: một dự án quân sự hoàn toàn tuyệt mật, được thực hiện dưới sự chỉ đạo của người Đức Wernher von Braun; và dự án khoa học Vanguard. Khác với tên lửa quân sự Atlas, các kỹ sư Mỹ gặp nhiều khó khăn với tên lửa đẩy Vanguard, mà tên lửa này là tên lửa dự định phóng vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ. Đến tận tháng ba năm 1958 thì tất cả các lần phóng thử tên lửa này đều kết thúc thất bại.

Tại bãi thử bí mật ở Kazakhstan mà khi đó vẫn còn chưa được trang bị đầy đủ, mùa hè năm 1957 các kỹ sư tên lửa của Liên Xô bấy giờ cũng gặp những thất bại tương tự. Tên lửa R-7, vốn được thiết kế cho các mục đích quân sự, ban đầu cũng không muốn bay lên. Bảy trong số tám lần phóng tên lửa này trước khi phóng vệ tinh đều kết thúc thất bại. Chỉ có một lần duy nhất, vào tháng tám, tên lửa R-7 đã bay qua rừng tai ga Sibiri và bắn trúng mục tiêu của mình trên bán đảo Kamchatka ở Thái Bình Dương.


Chó Laika bay vào vũ trụ

Tuy nhiên các kỹ sư không thể nào đảm bảo được rằng lần phóng sau tên lửa lại cũng sẽ bay lên. Vì vậy mà dự án phóng vệ tinh vẫn là một dự án tuyệt mật cho tới khi mà vệ tinh vẫn còn chưa được đưa lên quỹ đạo gần Trái đất. Nhưng cả Khrushchev lẫn Korolev đều không thể ngờ rằng việc phóng vệ tinh thành công sẽ gây nên cơn sốc thật sự ở Mỹ. Tờ New York Times đăng thông báo về việc phóng vệ tinh ngay trên trang đầu.

Khi Khrushchev nhận được báo cáo đầy đủ về phản ứng của Mỹ, ông gọi Korolev tới gặp – Chertok kể lại. Thực sự, bây giờ chúng ta không cần bom khinh khí nữa. Nhờ phóng cái vệ tinh vô hại này mà chúng ta đã nhận được còn nhiều hơn so với việc thử bom khinh khí, Tổng Bí thư Nikita Khrushchev nói với Korolev.


Sản phẩm của một người nhiệt tình ngoan cường


Người ta dự định phóng vệ tinh thứ hai vào khoảng thời gian gần ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười. Tuy nhiên phóng một vệ tinh trống không như lần trước thì rõ ràng không có ý nghĩa gì, Chertok nói. Chính vì vậy mà xuất hiện ý tưởng đưa một chú chó vào vũ trụ. Người công trình sư này cười và kể rằng hồi đó họ còn không có cả bản vẽ kỹ thuật. Tổng công trình sư Korolev chỉ đạo trực tiếp cho các kỹ sư trong các phân xưởng – cái gì gắn vào đâu.

Ngày 3/11/1957 chú chó Laika bay vào vũ trụ - và Liên Xô lại tận hưởng hương vị thành công ngọt ngào. Chỉ mãi sau này công chúng mới được biết rằng Laika không sống trên quỹ đọa lâu hơn một tuần.

Cho tới tận ngày nay các kỹ sư tên lửa Nga và các nhà sử học các chuyến bay vũ trụ đều thừa nhận rằng Liên Xô đã vượt Mỹ và bay vào vũ trụ đầu tiên trước hết là nhờ có người nhiệt tình ngoan cường Korolev. "Cái chất của Korolev năm 1966 đã trở thành một cú đánh quá nặng đối với chúng tôi" – Chertok nói. Người phó của ông, Vasily Mishin lên thay chỗ của Korolev là một kỹ sư rất tài năng. "Nhưng anh ấy không có tài lãnh đạo của Korolev. Cũng như không có được ảnh hưởng tới các nhà lãnh đạo, tương tự như ảnh hưởng mà Korolev có".

Saturday, September 15, 2007

Liên hoan phó mát ở Altai

Dmitri Ivanov (Vesti)
Hoàng Lan (NuocNga.net) dịch


Miếng phó mát khổng lồ. Ảnh Vesti.ru

Tại vùng Altai vừa nấu xong một miếng phó mát lớn nhất thế giới. Miếng phó mát này nặng hơn 600 kg và đang ngấp nghé một vị trí trong Sách kỷ lục Guinness.

Để nấu miếng phó mát này người ta đã phải dùng đến 9 tấn sữa và một tháng rưỡi công việc. Những người đầu tiên được chiêm ngưỡng miếng phó mát khổng lồ là những cư dân vùng Barnaul – tại liên hoan phó mát.


Và con bò cũng có mùi phó mát

Mật ong có vị mặn, vì thùng mật làm từ phó mát. Và con bò cũng có mùi phó mát. Cũng như là cuộn len và củ hành với nấm. Chỗ nấm này là do một cô tiểu thư – nông dân đem đến lễ hội. Chiều cao của cô tiểu thư – nông dân này – gần 120 cm, còn khối lượng – 10 kg. Những người thợ làm phó mát ở Altai đã phải làm việc gần 2 tháng mới xong con búp bê này.


Cuộn len phó mát

Chúng tôi không nặn mặt búp bê, vì xưa kia những con búp bê rơm cũ cũng không được vẽ mặt. Chúng tôi đã thấy điều đó trong sách. Do đó khuôn mặt thì cứ để cho trí tưởng tượng của các bạn vẽ nên”, - ông Sergei Yurtnev, nhân viên marketing của Nhà máy phó mát Zalessky giải thích.


Cô tiểu thư nông dân làm từ phó mát. Ảnh: Vesti.ru

Tại nhà máy này, nơi đã nghĩ ra cô tiểu thư – nông dân, mỗi một ngày mới bắt đầu từ việc lên men sữa trong những bồn lớn. Các chuyên gia giải thích rằng phó mát có thể cứng và mềm. Nếu như phó mát cứng phải “chín” vài ngày trong dung dịch muối, thì để làm phó mát mềm chỉ cần một ngày là đủ. Trong công việc của người làm phó mát cần cả sức mạnh lẫn sự khéo léo và cẩn thận. Có điều thú vị là đại đa số những người làm phó mát thì lại không ăn phó mát.

“Vì chúng tôi no mùi phó mát mất rồi, anh cứ cảm giác xem, mùi ở đây như thế nào” – bà Liubov Guselnikova, công nhân xưởng đóng gói Nhà máy phó mát Zalessky nói.

Vùng Altai có trên 60 nhà máy sản xuất phó mát. Mỗi một trung tâm quận huyện có một nhà máy, ở Barnaul còn có cả một Viện nghiên cứu làm phó mát, nơi không chỉ tạo ra những loại sản phẩm mới, mà còn nghiên cứu thống kê quá trình sản xuất.

“Altai – đó là nơi sản xuất phó mát hàng đầu ở Nga”, – bà Liubov Guselnikova nhấn mạnh.

Altai trở thành vùng sản xuất phó mát lớn nhất Nga từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước, và từ đó tới giờ giữ vững vị trí đứng đầu. Cứ bảy tấn phó mát của Nga thì có một tấn sản xuất ở các nhà máy vùng Altai.

Liên hoan phó mát được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập vùng Altai. Phó mát, cũng như bánh mì, đã từ lâu trở thành tấm cạc – vidit của vùng đất Sibiri này. Tại Cung thể thao Barnaul hiện nay là lễ tôn sùng phó mát thật sự - người ta nếm phó mát, hát những bài hát về phó mát, và cả kể chuyện cổ tích về phó mát nữa.


Đuôi sam kỷ lục

Và ở đây cũng lập những kỷ lục mới. Thí dụ miếng phó mát “Gigant” nặng trên 600 kg, còn đuôi sam tết bằng phó mát thì dài nhất thế giới. Các đại diện của Sách Kỷ lục Guinness đo đuôi sam rất lâu. Kết quả - chiều dài của đuôi sam là 16,61m.

Sau khi các kỷ lục đã được ghi nhận thì đuôi sam chuyển tới bàn tiệc. Và tất cả những ai mong muốn đều có thể được nếm thử.

Sẽ khánh thành đài tưởng niệm Aivazovsky đầu tiên ở Nga


Thu Phong (NuocNga.net) dịch
Theo RIA Novosti

Vào ngày hôm nay thứ bảy 14/9 Đài kỷ niệm đầu tiên ở nước Nga cho họa sĩ lừng danh vẽ biển – Ivan Aivazovsky sẽ được khánh thành ở thành phố Kronstadt ngoại ô Peterburg. Đó là thông báo của chính quyền thủ đô phương bắc nước Nga .


Tượng bán thân của họa sĩ sẽ được dựng tại khu vực bờ biển Makarov của pháo đài biển, chặn các đường biển tới thành phố trên sông Neva.

Tác giả của đài kỷ niệm này là Vladimir Gorevoi, Họa sĩ công huân Nga, người đã từng nhận giải thưởng quốc gia Nga. Trong số các công trình của Vladimir Gorevoi có – tượng bán thân của Piotr Đại đế ở Priozersk (vùng Leningrad), đài kỷ niệm Semenov – Chianshansky ở thị trấn Rwbachie tại Kyrgyzstan, đài kỷ niệm Pavel I tại Lâu đài Mikhailov ở Peterburg, đài kỷ niệm Aleksandr Nevsky ở Ust-Yzhor (Peterburg), các hình chạm nổi cao (haut-relief) tại Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Matxcơva.

Tại lễ khánh thành sẽ có mặt đại diện chính quyền thành phố Sankt – Peterburg, Hội đồng lập pháp Sankt – Peterburg, chính quyền Kronstadt và doanh trại hải quân Leningrad. Ngoài ra người ta còn chờ đợi sự tham gia của bà Irina Kasatskaya - chít của họa sĩ Aivazovsky.

Họa sĩ Ivan Aivazovsky sinh ngày 17(30)/7/1817 ở Feodosia, mất ngày 19/4 (2/5) năm 1900. Từ năm 1845 là Viện sĩ, từ 1847 là giáo sư, từ 1887 là thành viên danh dự của Viện Hàn lâm Nghệ thuật. Trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – "Con sóng thứ chín", "Trận đánh Chesma", "Trận đánh Navarin", "Biển Đen" và những tác phẩm khác. Tổng cộng ông đã vẽ trên 6000 bức tranh.


Thursday, September 13, 2007

Ứng dụng các nghiên cứu vũ trụ vào đời thường

Hoàng Lan (NuocNga.net) dịch
Theo Moskovsky Komsomolets


Những công nghệ ứng dụng ngày nay vào lĩnh vực vũ trụ có thể và đang đem lại lợi ích trong cuộc sống hàng ngày. Đó là tuyên bố của ông Anatoly Perminov, người đứng đầu Roscosmos.

"Có nghiên cứu có thể giúp ích cho những người hái nấm. Thiết bị này có giá chỉ khoảng tám ngàn rub, giúp xác định vị trí trong rừng. Cách đây không lâu chúng tôi đã giới thiệu nó tại triển lãm hàng không "MAKC-2007", - ông Perminov nói trong khi trả lời phỏng vấn của tờ báo "Moskovsky Komsomolets".

Theo lời ông, những thiết bị tương tự với pin mặt trời đang lắp đặt trên các thiết bị vũ trụ, hiện nay đang được sử dụng trong cuộc sống.

"Các bạn có thể lắp đặt pin mặt trời như thế để sưởi nóng nước tại nhà nghỉ của mình chẳng hạn. Chúng tôi cũng có thể giới thiệu các trạm phát điện từ gió, thiết bị sưởi ấm bằng khí đốt, thiết bị lọc nước thải thiên nhiên, và cả máy ép trái cây cho các khu nhà nghỉ" – ông Perminov nói.

Giá thành của mỗi mét vuông pin mặt trời như thế vào khoảng 600 USD – ông Perminov nói thêm.

Ông Sergei Ivanov, Phó thủ tướng thứ nhất Liên Bang Nga tuyên bố tại cuộc họp Chủ tịch đoàn Ủy ban Quốc gia vào tháng ba năm nay rằng cần thiết phải đảm bảo được khả năng tiếp cận lớn hơn của người tiêu dùng Nga tới "những kết quả của hoạt động vũ trụ, mà nói riêng là các công nghệ định vị.



Sunday, September 9, 2007

Thanh lương trà

Đó là một bài thơ của nhà thơ Nga Ivan Surikov. Mình đọc đã lâu rồi, nhưng mãi gần đây chị Tykva dịch thì mình mới nảy ra ý định dịch (kể ra mình cũng hơi bon chen:))

Đây là cây thanh lương trà đang nở hoa



Thanh lương trà nở hoa - Цветущая рябина
Автор: Константин Киквидзе
Дата публикации: 17.03.2007

Còn bài thơ thì thế này

Thanh lương trà
Ivan Surikov

"Thanh lương trà mảnh mai
Sao lung lay ồn ào
Sao đầu em nghiêng thấp
Cúi xuống bên hàng rào?"

"Em nói chuyện với gió
Về một chuyện buồn rầu
Rằng riêng em đơn độc
Sống ở góc vườn rau

Em là trẻ mồ côi
Đứng một mình sầu não
Như cỏ nghiêng xuống đất
Em nghiêng xuống hàng rào

Ở ngoài kia, trên đồng
Bên con sông sâu thẳm
Giữa tự do lồng lộng
Một cây sồi vút cao

Tâm hồn em khát khao
Đến bên cây sồi đó
Em sẽ không buồn nữa
Cúi đầu mặc gió đưa

Em sẽ vươn cành mình
Sát bên chàng gần hơn
Cùng lá sồi ngày đêm
Thì thầm hoài không dứt

Ôi không, thanh lương trà
Không đến bên sồi được!
Đời em đành sau trước
Mồ côi mặc gió đưa!"

Nguyên bản (chả biết sao mãi không làm thành bảng được)

Рябина
Иван Суриков

"Что шумишь, качаясь,
Тонкая рябина,
Низко наклоняясь
Головою к тыну?"

"С ветром речь веду я
О своей невзгоде,
Что одна расту я
В этом огороде,

Грустно, сиротинка,
Я стою, качаюсь,
Что к земле былинка,
К тыну нагибаюсь.

Там, за тыном, в поле
Над рекой глубокой,
На просторе, в воле,
Дуб растет высокий.

Как бы я желала
К дубу перебраться;
Я б тогда не стала
Гнуться да качаться.

Близко бы ветвями
Я к нему прижалась
И с его листами
День и ночь шепталась...

Нет, нельзя рябинке
К дубу перебраться!
Знать, мне, сиротинке,
Век одной качаться".


Sunday, May 13, 2007

Bộ Giáo dục Nga đặt dấu chấm trên chữ cái "ё"


Aleksandr Rogatkin (Vesti)
Lưu Hải Hà (NuocNga.net) dịch


Nghe làm sao thì viết làm vậy: điều này bây giờ là quy tắc đối với chữ cái bị “ruồng rẫy” nhất của bảng chữ cái Nga. Bộ Giáo dục Nga đã quyết định bắt buộc phải viết thêm hai dấu chấm trên chữ cái này.

Viktor Chumakov không thể ngồi yên nhìn cảnh chữ cái thứ bảy trong bảng chữ cái Nga dần dần biến mất. Vốn trước đây chữ cái này không bắt buộc phải viết đúng dạng của nó, nói chung thì trong sách báo người ta chỉ viết chữ "ё" khi cần làm rõ ý nghĩa của từ hoặc câu, khi viết các danh từ riêng nước ngoài, còn bình thường thì người ta đơn giản hóa chữ cái này thành "е". Thế nên ga Saviolovsky biến thành Savelovsky (Савёловский – Савеловский), còn phố Suschiovskaya thì biến thành Suschievskaya (Сущёвская – Сущевская).

Nhưng bây giờ thì người sáng lập bảo tàng chữ cái "Ё" và thành viên Ủy ban liên bộ về tiếng Nga có thể vui mừng. Ủy ban vốn được chính phủ giao toàn quyền thay đổi quy tắc chính tả, từ này sẽ yêu cầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm về mỗi dấu chấm trong văn bản chính thức. “Trong trường hợp này có thể kiện ra tòa về việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Khi người ta phát hành cuốn sách không có chữ cái "ё", tôi có thể cho rằng cuốn sách này làm tôi khó chịu, và tôi phải bỏ tiền vô ích để mua cuốn sách ấy” – ông Chumakov nói

Tất nhiên là đối với họ của nghệ sĩ dạy thú nổi tiếng Yuri Kuklachiov (Юрий Куклачёв) thì có thể viết trên áp phích thế nào cũng được – chắc chắn khán giả không nhầm. Nhưng khi chuẩn bị các hợp đồng và giấy tờ thì yêu cầu phải khớp với số liệu trong hộ chiếu. Thế là hai dấu chấm trên đầu chữ "ё" gây chuyện, và Kuklachiov phải làm lại giấy tờ. “Thiếu hai dấu chấm! Chúng không có ở nước Nga, đó là điều ngầm hiểu”, - nghệ sĩ nhân dân Yuri Kuklachiov nói.

Đài kỷ niệm chữ cái "ё" ở vùng Ulianovsk

Trong việc đấu tranh cho quyền lợi chữ cái "ё" thì vùng Ulianovsk hoạt động rất tích cực. Ở đó người ta đã dựng cả một đài kỷ niệm cho chữ cái này – thế đấy, chữ cái này gần như biến mất khỏi cuộc sống thông thường, thế thì hãy để ký ức về nó sống mãi trong đá granit. Nhưng đích thân ông Sergei Morozov, thống đốc vùng Ulianovsk đã ra tay vì chữ cái này. “Sẽ ban hành một sắc lệnh của thống đốc, trong đó bắt buộc các công chức phải sử dụng chữ cái "ё", – ông thông báo. Tất cả các công chức đều phải trả thi môn tiếng Nga và quy tắc sử dụng chữ cái "ё". Có tới 50 công chức không vượt qua được thử thách này. Tuy họ không bị sa thải, nhưng được khuyến cáo vài lần hãy tới dự giờ các học sinh lớp một.

Tất nhiên "е" и "ё" – là hai chị em ruột, và phân biệt chúng không dễ dàng. Câu chuyện là hai dấu chấm trên đầu chữ cái có thể thay đổi ý nghĩa từ đã viết được dạy từ khi người ta còn học trường tiểu học. “Đó không phải là lỗi lớn, nhưng vẫn là lỗi. Bởi vì trẻ em phải viết đúng chính tả từ lớp một, khi các em học cách viết chữ”, – bà Tachiana Katkova, hiệu trưởng trường tiểu học số 2010 ở Matxcơva nói.

Nhưng tới khi tốt nghiệp phổ thông thì học sinh đã bắt đầu quên về những dấu chấm, và điều này không bị tính là lỗi, thậm chí cả trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Do đó việc đưa chữ cái "ё" trở lại phải tiến hành từ từ, và Bộ Giáo dục Nga đề xuất rằng sẽ còn vài năm nữa việc viết giản lược chữ cái "ё" chưa bị trừ điểm. Nhưng theo lời ông Andrei Fursenko, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nga thì các công chức chắc chắn sẽ không được nương tay. “Chúng tôi sẽ đấu tranh vì điều này – Bộ trưởng hứa. – Việc từ bỏ những điểm đặc biệt nhỏ nhất của ngôn ngữ sẽ làm ngôn ngữ trở nên nhạt nhẽo hơn, và như vậy, sẽ làm tất cả chúng ta yếu hơn”.

Tất nhiên là cũng có những người phản đối việc này. Bởi vì trong một số tác phẩm của các nhà văn cổ điển Nga chữ cái "ё" bị bỏ sót, hoặc là nếu viết như trong tiếng Nga hiện đại thì một số bài thơ sẽ bị mất vần.

Nhưng Bộ trưởng Fursenko phản đối – có thể các nhà văn cổ điển không đúng chính tả, nhưng chúng ta yêu cầu để học sinh viết đúng.

Tuy nhiên người ta hứa rẳng sẽ không “đụng chạm” đến các nhà văn cổ điển, mà chỉ giới hạn việc bắt buộc viết đúng chữ cái "ё" trong các văn bản, họ và các tên địa lý.

Bài có liên quan
222 năm chữ cái "ё"

Tấm gương dành cho Vũ trụ

Anđrây Trischiakov (Vesti)
Tường Vân (NuocNga.net) dịch





Một chiếc gương lớn đang được đem từ Karachaevo – Cherkessia tới Matxcơva. Nhờ chiếc gương này người ta có thể nhìn vào Vũ trụ. Vật phản xạ của chiếc kính thiên văn lớn nhất Âu- Á này cho phép các nhà thiên văn học nghiên cứu các đối tượng cách xa Trái Đất hàng tỷ năm ánh sáng. Để cho những hình ảnh từ vũ trụ rõ ràng hơn, người ta sẽ mài tấm gương này hai năm ở nhà máy Lytkarino.

Một cộng tác viên của Đài vật lý thiên văn đặc biệt kể cho du khách về chiếc kính thiên văn quang học phương vị độc nhất vô nhị này của Nga. Du khách không ngờ rằng sau những câu chuyện về sự ra đời của đài thiên văn và những phát minh sinh ra ở đây, họ còn được tận mắt mình chứng kiến một công việc cũng độc nhất vô nhị - vận chuyển chiếc gương. Khoảng 15 sensor cảm ứng đặc biệt nhạy cảm, giá đỡ mềm và các giá đỡ đặc biệt giữ vị trí tấm gương, trên sàn 10 trục là niềm tự hào của ngành vật lý thiên văn Nga



Trong một công tai nơ được chế tạo đặc biệt, chiếc gương chính của kính thiên văn lớn này với khối lượng trên 40 tấn đã trải qua hành trình dài hai ngàn kilomet. Suốt chặng đường này, như các chuyên gia nói, chiếc gương không phải chịu bất kỳ áp lực nào, để không bị lệch cả theo phương thẳng đứng cũng như phương ngang thậm chí chỉ đến phần mười milimet.

Hiện nay ở Nga có hai vật thủy tinh khổng lồ như thế. Cả hai thiết bị thiên văn này đều ở Karachaevo – Cherkessia. Một trong số chúng đang cần phải sửa chữa hoặc mài lại bề mặt. Những vết xây xát đã xuất hiện từ lúc sản xuất chiếc gương thủy tinh này vào hồi giữa những năm 70 thế kỷ trước. Thời gian trôi qua, và những vết xây xát ấy bắt đầu làm sai lệch các tia vũ trụ. “Chúng tôi không ngủ được nhiều đêm, nghĩ về việc phải kéo đầu nào để không làm nứt gương” – đó là lời ông Yuri Mamechev, người phụ trách chiếc kính thiên văn phương vị lớn của Đài vật lý thiên văn đặc biệt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ông cũng nói rằng “thực tế, các thiết bị chính xác cao đòi hỏi phải nghĩ ngợi kỹ lưỡng từng bước một, và phải chuẩn bị hết sức kỹ càng. Dự án này được chuẩn bị từ năm 84”.

Các nhà khoa học nói rằng thời tiết hôm nay đã không gây khó khăn cho họ. Ngày hôm trước, một front không khí lớn đã suýt làm hỏng chương trình này. Bởi vì chuyển động của công tai nơ (đường kính của nó là 8 m) phải thống nhất với nhiều cơ quan chức năng. “Cuối cùng có quyết định rằng phải đi vòng qua một chiếc cầu. Vì thế, trong vùng này, trên lãnh thổ Cherkessia phải làm một con đường vòng dài 800 m để đảm bảo an toàn vận chuyển” – ông Mahomet Abdulkadyrov, kỹ sư trưởng Nhà máy thủy tinh quang học Lytkarino kể.



10 kilomet một giờ với những khoảng dừng giữa chừng. Các lái xe theo dõi tình trạng khuôn phanh và độ cong của mỗi vòng cua. Còn chiếc xe ô tô đi đầu đoàn xe thì ra hiệu lệnh cho những chiếc xe ngược chiều quay lại. Suốt 17 km đầu tiên họ đi theo đường núi. Sau đó họ còn phải đi tới Rostov trên sông Đông, nơi họ sẽ đưa công tai nơ xuống tàu thủy. Chiếc tàu này sẽ đưa kính thiên văn tới vùng Matxcơva theo kênh đào Volga – sông Đông.

Thiếu tá Vikhr huyền thoại nhận danh hiệu “Anh hùng Liên bang Nga”

Valentin Bogdanov (Vesti)
Hoàng Lan
(NuocNga.net) dịch


Chiến công chủ yếu của Aleksei Nhikolaievich Bochan diễn ra vào tháng giêng năm 1945: ông đã tiến hành hoàn hảo một chiến dịch nghi binh diễn ra trước khi giải phóng thành phố Krakow. Sự kiện này là cơ sở của một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất thời đó của Julian Semenov, còn bản thân Bochan trở thành nguyên mẫu của thiếu tá Vikhr huyền thoại trong bộ phim truyền hình nhiều tập cùng tên do Liên Xô sản xuất.

Vào những ngày này có một người nói về sự tôn trọng với di hài của người đã khuất. Đó là người đã tự mình chôn cất không ít những người bạn chiến đấu mặt trận. Aleksei Nhikolaievich Bochan năm 1941 đã chiến đấu với người Đức bảo vệ Matxcơva, sau đó tham gia phong trào du kích tại vùng rừng núi Ukraina và Belorussia, nhưng chiến công chủ yếu của ông được thực hiện vào tháng giêng năm 1945: ông đã tiến hành hoàn hảo một chiến dịch nghi binh diễn ra trước khi giải phóng thành phố Krakow. Sự kiện này là cơ sở của một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất thời đó của Julian Semenov, còn bản thân Bochan trở thành nguyên mẫu của thiếu tá Vikhr huyền thoại trong bộ phim truyền hình nhiều tập cùng tên do Liên Xô sản xuất. Ngày 10/5/2007 vừa qua tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga cho Aleksei Nhikolaievich Bochan.

Ba tháng trước Aleksei Nhikolaievich Bochan bước sang tuổi 90, nhưng ông vẫn còn chơi bóng chuyền, đi xe đạp. Các bước đi của ông vẫn mạnh mẽ. Thậm chí có thể quay bộ phim “Thiếu tá Vikhr -2” bây giờ cũng được. Ông vẫn tràn đầy năng lượng – chính vì thế mà đã được nhận vào ngành tình báo.

“Không nên là một người suốt ngày than thở. Và tôi cũng không bao giờ nhận những người ưa than thở vào làm việc trong nhóm của mình, tôi không cần những người như thế” – cựu binh tình báo Nga Aleksei Bochan nói.



Aleksei Nhikolaievich Bochan là người cùng tuổi với Cách mạng tháng Mười. Ông sinh ra ở Tây Bêlôrussia, vùng đất về sau bị sát nhập vào Ba Lan. Ông ra mặt trận năm 1939 trong đạo quân của Pilsudski. Khẩu pháo phòng không của ông đã bảo vệ bầu trời Varsava, bắn hạ ba chiếc “Gioongke”. Sau đó là quá trình rút lui và ông bị Hồng quân bắt làm tù binh. Nhưng Bochan đã chạy thoát sau khi vận dụng tài năng đặc biệt của mình lần đầu tiên. Ông thay chiếc áo lính bằng chiếc áo thầy giáo ở vùng Vilensk một thời gian ngắn, và sau đó thì theo giới thiệu của Đoàn Thanh niên cộng sản Komsomol ông gia nhập trường đào tạo của NKVD. Vì giỏi tiếng Ba Lan, Bochan đã trở thành một người không thể thay thế được trong thời gian các chiến dịch đặc biệt của tình báo Liên Xô ở Ba Lan. Hiện nay ở thành phố Ilzh vẫn còn một dấu hiệu đặc biệt nhắc về điều đó. “Trung úy Aliosa” – đó là về Bochan. Nhóm của ông phải tới Krakow, nhưng các binh sĩ đạo quân Liudova đã khẩn khoản đề nghị họ giải phóng các đồng chí hoạt động bí mật của mình.

“Họ nói: “Các anh là những người du kích Xô viết mà. Chúng tôi chờ các anh như những người cứu mạng. Hãy giúp chúng tôi!”. Tôi đồng ý. Cũng may là mọi việc đều xảy ra tốt đẹp, chúng tôi không bị thiệt hại gì” – Aleksei Bochan nhớ lại.

Mục tiêu tiếp theo của họ trên con đường tới Krakow là lâu đài Jagiello. Cung điện cổ xưa của các nhà vua Ba Lan bị bọn phát xít biến thành kho vũ khí và chất nổ. Chúng muốn phá hủy những cây cầu qua Dunajec và đập Czrosztyn. Nếu như không có Bochan thì có lẽ cuộc tấn công của Hồng quân vào Krakow sẽ bị chậm lại tới vài tuần. Họ đã mua chuộc được một trong những viên cảnh sát ở đây. “Tất cả những cây cầu và đường sắt đều nguyên vẹn – chúng không làm gì được cả” – nhà tình báo huyền thoại hồi tưởng lại.


Bochan đã có hai cơ hội trở thành Anh hùng Liên Xô: năm 1943 do chiến công diệt 80 sĩ quan Đức tại vùng Zhitomir và năm 1965 – theo kiến nghị tập thể của các đồng đội trong trung đoàn. Nhưng cả hai lần các cấp trên sau khi thảo luận đều chỉ tặng cho ông Huân chương Cờ Đỏ. Họ ngần ngại vì có thời gian ông đã là hạ sĩ quan dưới quyền Pilsudski. Nhưng ông đã đợi được phần thưởng của mình. Ba tháng sau khi kỷ niệm ngày lễ thượng thọ ông đã nhận được phần thưởng quan trọng nhất của đất nước. Không phải là món quà cho ngày sinh nhật, đó là món quà cho cả cuộc đời hiến dâng cho Tổ quốc. Và Tổ quốc vẫn nhớ người anh hùng của mình.

Thursday, April 12, 2007

Chúng ta cần Gagarin để làm gì?

Andrey Arkhangelsky (“Ogoniok”)

Lưu Hải Hà (NuocNga.net) dịch

Nước Nga kỷ niệm 150 năm ngày sinh Tsionkovsky bằng một hội đồng quốc gia ở Kaluga và những cuộc tranh luận về việc, rốt cuộc thì chúng ta cần cả vũ trụ ấy để làm gì. Tạp chí “Ogoniok” (Ngọn lửa nhỏ) điểm qua những biểu tượng chính của di sản vũ trụ xô viết, để tìm hiểu – liệu có thể chuyển đổi chúng vào tương lai không.

Ngày 12 tháng 4. Chả còn mấy con tim run lên vì điều đó. Chẳng có khuôn mặt nào còn rạng rỡ bởi nụ cười Gagarin ấy nữa. Bởi vì chúng ta ngày nay không thể hiểu được bản chất của nụ cười ấy.

Chuyến bay của Gagarin là biểu tượng chủ yếu của chủ nghĩa quốc tế vô sản – sự cởi mở của nước Nga với thế giới, và đến bây giờ thế giới vẫn còn công bằng cho rằng sự kiện đó là sự kiện toàn thế giới. Con người ấy có thể cười rạng rỡ như thế, bởi vì anh ấy cảm thấy tự hào vì toàn thể nhân loại.Xã hội ngày nay thì mọi chuyện đều khác hẳn – không phí sức vì những gì thừa thãi, suy nghĩ nhỏ hẹp, chỉ nghĩ về ngôi nhà gia đình. Vì vậy ở nước Nga hậu xô viết không biết làm gì với một brand nổi tiếng toàn thế giới như thế, tất nhiên nếu có thể gọi GAGARIN là brand. Ừ thì bay vào vũ trụ. Ừ thì là người đầu tiên. Thế còn bây giờ thì sao? Tự hào vì anh ấy à? Thế tôi thì được lợi lộc gì từ điều đó?

Cũng có thể chúng ta tôn trọng, nhưng có thể đơn giản chúng ta không có khả năng nhận thức những sự kiện vĩ đại – bởi vì, rất tiếc là chúng ta không tương xứng với quy mô của kỷ nguyên vũ trụ. Chúng tôi đang nói tới tư duy hành tinh, về khả năng tư duy mức độ quốc gia, thế giới. Vũ trụ luôn luôn là ước mơ được yêu thích nhất của loài người – nhưng nền văn minh hiện nay của chúng ta là một nền văn minh nghèo nàn mơ ước. Chúng ta vứt bỏ ước mơ vì không thực dụng – chúng ta quên mất rằng ý tưởng dân tộc – đó cũng là một ước mơ. Hóa ra là chúng ta không có khả năng khai thác chiến thắng của Gagarin đưa nó thành hình tượng mới của đất nước.

Nói chung đó là một điều lạ lùng. Bởi vì khó mà có thể tìm được một nhân vật như thế trong lịch sử của chúng ta, nhân vật có thể khiến TẤT CẢ đồng ý. Về khía cạnh lịch sử Gagarin là người vô tội – anh ấy không làm điều gì hại ai cả. Không ai có thể trách móc Gagarin – kể cả những người yêu nước, những người theo chủ nghĩa tự do, các cộng tác viên Ủy ban an ninh quốc gia, những người theo đảng Limonov, những băng nhóm đầu trọc, hay cả các biên tập viên các tạp chí bìa bóng nhoáng – không ai cả. Chuyến bay của Gagarin – đó là sự kiện nhân đạo nhất trong lịch sử Liên Xô, và chính sự kiện này có thể giúp xây dựng sự thừa kế lịch sử của Liên Xô và Nga. Nhưng cho đến nay Gagarin vẫn nằm ngoài dự án ý thức hệ Nga.

Gagarin và nước Nga hiện nay

Ngày nay Gagarin tưởng như biến khỏi nhận thức quần chúng. Tất cả những đài tưởng niệm, những dãy núi và lỗ khoan mang tên Gagarin đã không làm ký ức về anh trở nên bất tử, mà lại làm chúng mòn đi. Trong khi đó cả văn hóa Xô viết lẫn hậu xô viết đều chưa có một tác phẩm nào tương xứng với tầm vóc sự kiện ngày 12 tháng 4 năm 1961. Nền văn hóa Nga vẫn chưa thể nhận thức được chuyến bay của Gagarin. Sự bão hòa văn hóa chưa xảy ra – mà chính văn hóa mới có khả năng lưu giữ hình ảnh. Hoặc là không lưu giữ. Suốt 46 năm không có một bộ phim điện ảnh nào về Gagarin. Điều này được coi là trách nhiệm quá lớn, và không một đạo diễn nào dám nhận trách nhiệm ấy về mình. Các đạo diễn Nga khi làm phim về đề tài vũ trụ thường thích nấp sau những lời hai nghĩa, biến chủ đề thành phim hài. “Những người đầu tiên trên mặt trăng”, “Vũ trụ như linh cảm”… Còn gì nữa không nhỉ? À, một bài hát rất cũ rồi do Gulaiev hát – “Bạn có biết anh ấy là một chàng trai như thế nào không?”. Ừ, vấn đề ở chỗ chúng ta không biết.

Đúng là nghịch lý – hàng tấn sách viết về Gagarin, hàng kilomet phim quay về Gagarin, nhưng bản thân Gagarin vẫn là một câu hỏi lớn đối với chúng ta. Chẳng có mốc nào để bấu víu cả. Anh ấy là ai? Tất nhiên Gagarin được chọn vì “lý lịch trong sạch” – nhưng vấn đề đâu chỉ ở chỗ đó.

Gagarin – biểu tượng sự cố gắng tột cùng của loài người. Đó là điều dễ hiểu vào những năm 60 – như xu hướng vượt ra khỏi giới hạn của sự cho phép, sự có thể. Ngày nay chúng ta cần Gagarin để làm gì – điều này trở nên dễ hiêu vào những năm 2000, khi người ta thấy rằng thành tựu kinh tế trong thế giới được xác định không chỉ bởi chất lượng hàng hóa, mà cả chất lượng quốc gia nữa. “Những chiếc xe hơi Volkswagen, Ford và Mercedes không khác biệt nhau đến mức nguyên tắc –triết gia Nga Mikhail Ryklin nói. – Trong sự cạnh tranh của chúng thì thể diện của quốc gia sản xuất chúng trở thành luận chứng quyết định, còn thể diện này lại là tổng cộng của rất nhiều thứ tưởng như “thừa thãi”, tưởng như thôi”.

Chúng ta ghi nhớ nhé “thừa thãi”. Tại sao nước Pháp lại là thủ đô của thời trang? Tại sao Nhật bản lại là chuẩn mực của sự chính xác? Tại sao Hoa Kỳ lại là biểu tượng của thành công? Bởi vì người ta đã tốn nhiều công sức để tạo dựng, đánh bóng những hình ảnh ấy. Có thể nói rằng ngày nay các quốc gia hàng đầu trên thế giới dường như đã đăng ký bản quyền một trong số các chất lượng của con người – thẩm mĩ, sự kiên nhẫn, sự cẩn thận, và cuối cùng thì điều này đã trở thành ưu thế trên thị trường. Thế còn nước Nga thì có thành tựu nào chung cho loài người?

Chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Chuyến bay của Gagarin. Và “tâm hồn Nga bí ẩn” lừng danh, nhưng trong kinh tế thì sự bí ẩn chẳng đem lại lợi ích cụ thể gì cho lắm. Ai mà cần một giám đốc bí ẩn nhỉ?

Điều duy nhất độc đáo còn lại trong hình ảnh của nước Nga – đó chính là khả năng vượt lên trên những điều thường nhật của quốc gia này. Làm được bước đầu tiên – ngỡ chỉ là tưởng tượng, bước đầu tiên qua ranh giới những điều tưởng chừng không thể. Biểu tượng của điều này đã và đang là chuyến bay của Gagarin. Gagarin – đó là biểu tượng của chủ nghĩa chuyên nghiệp – nhưng không phải cái chủ nghĩa chuyên nghiệp đang thắng lợi trong các công sở ngày nay, không phải là sự khéo léo của loài khỉ lặp lại những cử động được dạy, mà là chủ nghĩa chuyên nghiệp sáng tạo, tư duy, với một phần mạo hiểm và lãng mạn. Chủ nghĩa chuyên nghiệp lãng mạn – vì việc chung. Và chỉ khi đó mới có thể hiểu được, tại sao chính người Nga lại là những người đầu tiên vào vũ trụ - vì chỉ có một quốc gia đặc biệt mới đủ khả năng làm được điều này.

Bởi vì vào đêm trước xử tử ngày 15/4/1881 người “dân túy” Kibansích vẫn còn vẽ dự án “thiết bị bay” dành cho chuyến bay vào vũ trụ. Bởi vì Tsionkovsky dù bị điếc ở vùng Kaluga – mảnh đất bị chúa lãng quên vẫn nghĩ về những hành tinh khác, “làm việc vì hạnh phúc loài người”. Vì Vernadsky nghĩ về nano quyển khi những năm 18 Matxcơva tiêu diệt tư sản. Bởi vì Korolev, khi bị giam vào tù, không đòi hỏi sự tha thứ, khoan hồng, mà chỉ đòi vật liệu: “Thế chúng tôi làm máy bay từ cái gì bây giờ - làm từ phân chắc?”.

Ước mơ không gì lay chuyển được về bầu trời đã đưa Gagarin tới đó. Nước Nga – đất nước của những Gagarin, của những người lãng mạn cố gắng tột cùng – có thể thiết lập chủ đề chính của hệ tư tưởng mới như vậy. Nhưng hiện tại thì mới chỉ có thể nói về đất nước không có những Gagarin. Và không có cả chuyến bay nữa.

Bài có liên quan

Anh ấy là người đầu tiên đo cuộc đời bằng đếm ngược

Sunday, March 4, 2007

Kim cương đỏ – phép màu ở mức độ nguyên tử

Dmitri Ivanov (Vesti)
Thu Phong (NuocNga.net) dịch


Các nhà khoa học Novosibirsk vừa trở thành tác giả một chấn động thật sự trong thế giới kim hoàn – họ đã tìm được cách biến kim cương vốn có bản chất trong suốt thành những viên đá màu đỏ. Trong quá trình đó họ không nhuộm kim cương – những sự thay đổi xảy ra ở mức độ nguyên tử.

Kim cương được coi là loại đá quý duy nhất mà loại không có màu sắc có giá trị cao hơn. Nhưng kim cương tuyệt đối không màu trong tự nhiên rất hiếm gặp. Thường thì chúng có màu nâu, với chút ánh vàng. Những viên kim cương như thế không làm cho các nhà kim hoàn quan tâm, nhưng nếu chúng đến tay các nhà khoa học Novosibirsk thì chúng sẽ có số phận hoàn toàn khác.

Điều này cũng tương tự như trong câu truyện cổ tích về cô bé Lọ Lem, nhà địa chất Daniil Efremenko nói: đã từng là xấu xí, không ấn tượng, và rồi trở thành đẹp đẽ và rực rỡ. Nói theo ngôn ngữ của các nhà kim hoàn, đó là “đá được quý tộc hóa”. Trong ngành đá quý học thế giới thì những viên kim cương vàng và xanh lá cây vốn không phải là điều hiếm găp. Các chuyên gia Mỹ đã có chúng từ cuối thế kỷ trước. Còn kim cương màu đỏ rực thì đã được làm ra ở Sibiri. Theo lời các nhà khoa học thì “đó là superhit”.

Tác giả của công nghệ độc đáo này tên là Viktor Vins. Ông đã nghĩ về kim cương đỏ từ khi còn làm nghiên cứu viên ở Viện tinh thể đơn (monocrystal), và đã thành công khi đã là tiến sĩ và đồng thời là giám đốc một công ty kim hoàn.

Công việc gồm có mấy giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất – các nhà khoa học kiểm tra cấu trúc của kim cương, để tìm hiểu xem viên kim cương này có khả năng chịu áp lực lớn hay không. Giai đoạn thứ hai – xử lý kim cương trong thiết bị áp suất cao, nơi mà nhiệt độ trên 2000 °C. Giai đoạn thứ ba – xử lý bằng phóng xạ. Viên đá được đưa vào lò phản ứng đặc biệt và gắn vào máy gia tốc electron. Khi thiết bị hoạt động, hiệu điện thế 3 MV sẽ đi qua tinh thể. Tất cả những điều đó xảy ra sau những cửa kim loại nặng tới một tấn rưỡi. Dưới tác dụng của các electron thì kim cương sẽ đổi màu sắc.

“Điều đó xảy ra ở mức độ phân tử, chứ không phải dùng màu để nhuộm. Chúng tôi tạo ra một khiếm khuyết hấp thụ quang phổ trong vùng đỏ. Về mặt hình thức điều này được cảm nhận như là màu đỏ của tinh thể” – tiến sĩ toán lý Viktor Vins nói.

Các nhà tạo mẫu kim hoàn đã quan tâm ngay tới phát minh này. Điều đáng nói là viên đá quý được “quý tộc hóa” nhân tạo này sẽ không đắt hơn kim cương không màu loại tốt. Bởi vì những gì được thiên nhiên tạo ra luôn được đánh giá cao hơn, các nhà kim hoàn nói.

---
Bài đã đăng ở NuocNga.net

Monday, February 26, 2007

Tên lửa Nga sẽ bay lên từ xích đạo

Vyacheslav Dukhin (Vesti)
Thu Phong (NuocNga.net) dịch


Gần như chắc chắn tại Guyane Française xích đạo sẽ xây dựng tổ hợp phóng cho các tên lửa Nga “Soyuz”. Vị trí sân bay vũ trụ Kourou sẽ cho phép Nga đưa lên quỹ đạo các vệ tinh có khối lượng lớn hơn nhiều so với hiện nay.

Vào ngày thứ hai 26/2 tại sân bay vũ trụ Kourou sẽ diễn ra một nghi lễ quan trọng bậc nhất. Đó là sân bay vũ trụ đã được Pháp sử dụng vài chục năm. Cho tới ngày nay mới chỉ có các tên lửa “Ariane” của Pháp khởi hành từ sân bay vũ trụ này. Bây giờ ở đây sẽ có thêm một khu vực khởi hành nữa – nhưng dành cho các tên lửa “Soyuz” của Nga. Đây là một sự kiện lịch sử và hết sức quan trọng.

Sân bay vũ trụ Kourou là một sân bay vũ trụ có một không hai – đó là sân bay vũ trụ duy nhất trên thế giới nằm tại vùng xích đạo (05° 09' 35" độ vĩ bắc). Sân bay vũ trụ Kourou tạo những khả năng hiếm có cho việc phóng tên lửa – tên lửa có thể đem theo trọng lượng có ích nhiều hơn, và có thể đưa vệ tinh gần như lên bất kỳ quỹ đạo nào. Điều này mở ra những khả năng cho một số lượng phóng tên lửa lớn, trong đó có cả các lần phóng thương mại.

Ông Viktor Remeshevsky, người đứng đầu Hãng Vũ trụ Liên bang kể về ý nghĩa của dự án này đối với nước Nga và các ưu thế chủ yếu của dự án này: “Chúng ta sẽ cung cấp tên lửa. Điều này sẽ cho chúng ta có những đơn đặt hàng trong các lĩnh vực của chúng ta. Chúng tôi đã thỏa thuận mỗi năm sẽ có hai, bốn lần phóng. Và chúng tôi sẽ tiến hành không dưới 50 lần phóng tên lửa từ sân bay vũ trụ Kourou”.

Việc xây dựng sân khởi hành cho các tên lửa “Soyuz” của Nga hiện đang ở trong giai đoạn quyết định. Dự tính rằng công việc này sẽ kết thúc trong năm tới, và lần phóng tên lửa đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng 12/2008. Sân khởi hành này sẽ nằm cách sân khởi hành hiện có dành cho tên lửa “Ariane-5” của Pháp khoảng 10km – để cho dù có sự cố nào đi nữa thì tên lửa này cũng không thể gây hại cho tên lửa kia. Mặc dù cả phía Pháp cũng như phía Nga đều không mong đợi gì những tình huống xấu. Ngược lại, tất cả đều cho rằng đó là một dự án thuận lợi và có lợi cho cả hai phía.

Và cuối cùng là một tình tiết thú vị: trong lúc tiến hành lễ khánh thành trọng thể giai đoạn quyết định của công trình xây dựng thì một viên đá từ sân bay vũ trụ Baikonur, lấy từ chuyến bay của Gagarin sẽ được đặt móng ở đây. Như vậy, sân bay vũ trụ Kourou sẽ có thể trở thành sân bay thân thuộc đối với các tên lửa Nga.

Sunday, February 25, 2007

Cây thập tự Georgy tròn 200 tuổi

Đmitri Kulistikov (Vesti)
Hoàng Lan (NuocNga.net) dịch


Cách đây đúng 200 năm, vào ngày 25/2/1807 phần thưởng cao quý và nổi tiếng nhất của người lính Nga ra đời. Vào ngày đó Huy chương Thánh Georgy dành cho binh lính đã được Alekxandr Đệ nhất phê duyệt. Phần thưởng này ngay lập tức dành được sự tôn trọng tuyệt đối của các binh lính Nga, có lẽ một phần quan trọng là do tính dân chủ của nó. Bởi vì phần thưởng này được quyết định không phải do những ngưởi chỉ huy, mà là những người đồng đội.

Phần thưởng nổi tiếng của người lính Nga – Cây thập tự Thánh Georgy ra đời đúng 200 năm trước. Thật ra mà nói, vào tháng hai năm 1807, khi lệnh của Alekxandr Đệ nhất được ban hành thì phần thưởng này có cái tên dài hơn – “Biểu tượng thành tích chiến đấu huy chương quân sự Thánh Georgy” dành cho các cấp thấp (binh lính). Phân thưởng tương tự dành cho các sĩ quan – Huy chương Thánh Georgy – đã tồn tại từ năm 1769, nhưng chả có cái gì để lưu danh các chiến công đặc biệt của binh lính, thủy thủ và người cô-dắc cả.

Phần thưởng có dạng một cây thập tự đeo trên dải băng da cam – đen nổi tiếng. Mặt phải là hình ảnh của Thánh Georgy Ngưởi đem lại chiến thắng – người bảo trợ cho quân đội Nga. Mặt trái – là số của huy chương. Quy trình trao tặng huy chương cũng rất dân chủ.

“Tổ chức phiên họp toàn thể đại đội hoặc tiểu đoàn, và họ bầu ra theo kiểu lính tráng người mà tất cả các binh sĩ cho là quả thật anh hùng”, – ông Alekxei Shishkov, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lịch sử Quân sự Bộ Quốc phòng Nga, thành viên Hội Nhà văn Nga kể.

Năm 1856 phần thưởng này bắt đầu được chia theo hạng – tương tự như huy chương của các sĩ quan. Những người nhận được tất cả bốn hạng của huy chương này đeo “một băng đầy đủ” – một hàng bốn chiếc “Egory” (các binh sĩ Nga gọi cây thập tự này như thế).

Những binh lính đã được trao huy chương thì sẽ được miễn mọi hình phạt thân thể, tăng lương, còn trong trường hợp hy sinh thì người vợ góa của anh ta sẽ được nhận lương trong vòng 1 năm.

Trong lịch sử cũng có những trường hợp trao tặng huy chương này hàng loạt. Đó là khi Sa hoàng Nhicolai đệ nhị ra sắc lệnh tặng thủy thủ đoàn chiến hạm “Varyag” và thuyền đại bác “Koreiets”.

“Các sĩ quan được tặng huy chương Thánh Georgy. Tất cả các binh lính của hai con tàu quân sự này được tặng Biểu tượng thành tích chiến đấu huy chương quân sự “ – ông Alekxei Shishkov nói.

Từ năm 1913 tên gọi chính thức của phần thưởng này là “Cây thập tự Georgy”. Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất những người anh hùng của chế độ mới cũng đã được tặng phần thưởng danh giá này. Đó là những Mikhail Buđiônnưi, Vasily Chapaev, và cả nguyên soái tương lai Georgy Zhukov. Sau Cách mạng tháng Mười thì Cây thập tự Georgy cũng chìm vào quá khứ. Nhưng vào những năm Chiến tranh Giữ nước vĩ đại người ta quyết định khôi phục lại truyền thống – xuất hiện Huy chương Vinh quang.

“Ban đầu người ta định làm bốn hạng của huy chương: hạng bốn và hạng ba – bằng bạc, còn hạng nhất và hạng hai bằng vàng. Nhưng sau đó họ lại chỉ làm có ba bậc của huy chương Vinh quang, nhưng huy chương này được đeo trên dải băng Georgy truyền thống”, – ông Valeri Đurov, cộng tác viên khoa học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia kể.

Hiện nay ở Nga cũng có huy chương Thánh Georgy – phần thưởng sĩ quan tặng cho những người có chiến công khi chống lại kẻ thù xâm lược. Hiện tại chưa có ai được nhận huy chương này.

Monday, February 12, 2007

Maslenhitxa – thời gian dành cho sám hối

Thu Phong (NuocNga.net)
Dịch theo RIA Novosti


Nhà thờ Chính thống giáo Nga cho rằng tuần lễ Maslenhitxa vừa bắt đầu ngày thứ hai 12/2 này là “Sự chuẩn bị cho Tuần chay” và nhắc nhở các con chiên không sa đà ăn chơi.

“Điều mà trong dân gian gọi là Maslenhitxa, thì trong lịch nhà thờ gọi là “Tuần lễ phô mai” trước Tuần chay” – cha trưởng tăng lữ Vsevolod Chaplin, Phó trưởng Bộ phận hợp tác nhà thờ đối ngoại của Giáo xứ Matxcơva nói với phóng viên thông tấn xã RIA Novosti
Theo lời ông, những người Cơ đốc theo Chính thống giáo bước vào Tuần chay một cách dần dần.

“Bắt đầu từ “tuần lễ phô mai” thì con chiên đã không được phép ăn thịt, nhưng họ có thể ăn cá và các sản phẩm từ sữa. Chính vì thế mà vào thời điểm này rất phổ biến các món ăn như bánh xèo, smetana, phô mai và những thứ tương tự vốn là cơ sở của các món sữa trong ẩm thực Nga”, – ông Chaplin giải thích.

“Trước kia thì Maslenhitxa vốn là một ngày lễ dị giáo, nhưng ngày nay thì ngày lễ Maslenhitxa hầu như không còn liên quan gì đến dị giáo nữa”, - ông Chaplin nói như vậy.
Ông nhấn mạnh rằng ngày lễ Maslenhitxa đối với các con chiên – đó đã là thời gian dành cho sám hối, khi các nhà thờ bắt đầu các buổi lễ tuần chay nghiêm khắc.

“Và chúng tôi muốn kêu gọi mọi người tới nhà thờ vào những ngày lễ này, đặc biệt vào Ngày chủ nhật Tha thứ 19/02, khi nhà thờ tiến hành lễ tha thứ để rồi bước vào tuần chay” – ông Chaplin nói.

Khi trả lời câu hỏi về những điểm đặc biệt trong lễ hội Maslenhitxa trong dân gian, ông Chaplin nhấn mạnh rằng “không nên chơi đùa đến nỗi quên cả lương tâm và lý trí”.

“Tất nhiên, Maslenhitxa – đó là thời gian mà theo truyền thống người ta thăm viếng nhau, nói chuyện giao tiếp với nhau bên bàn ăn. Nhưng không nên hủy hoại mình bằng rượu chè, hay bằng những trò chơi nguy hiểm vào bất kỳ thời gian nào, và lại càng không nên làm điều đó vào tuần lễ sám hối, tuần lễ chuẩn bị cho người ta bước vào tuần chay” – ông Chaplin kết luận.


Từ thời cổ xưa những người Slavơ cổ đã coi Maslenhitxa là lễ tiễn đưa mùa đông và đón mùa xuân, đợi chờ sự thức giấc của thiên nhiên. Tất nhiên là thời kỳ này luôn kèm theo một số hành động biểu tượng nhất định, ví dụ như đốt hình nộm mùa đông, vui chơi toàn dân, trò chơi, những đống lửa, trượt tuyết từ núi xuống, tấn công chiếm các pháo đài tuyết và các trò vui khác.


Và ngày nay, vào những ngày cuối cùng trước tuần chay dài nhất và nghiêm khắc nhất trong năm thì trong dân gian vẫn “vui chơi hết mình”, ít nhất cũng đi thăm bạn bè, người thân, ăn bánh xèo và mừng vui cùng họ.


----

Bài đã đăng ở NuocNga.net

Sunday, February 11, 2007

Putin cho rằng điều cốt yếu không phải là người kế nhiệm, mà là sự kế nhiệm của chính sách

Hoàng Lan (NuocNga.net)
Dịch theo Vesti


“Không phải mọi thứ đều tùy thuộc vào cá nhân, và cả ở Nga cũng thế thôi. Điều cốt yếu nhất là sự kế nhiệm của chính sách đang được tiến hành, chính sách đã chứng tỏ được sự đúng đắn của mình qua việc hồi phục lại tính nhà nước, sự nguyên vẹn của lãnh thổ, sự phát triển của kinh tế, môi trường xã hội” – Vladimir Putin nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi về người kế nhiệm trong chương trình phỏng vấn của kênh truyền hình Ảrập “Al – Jazeera”.

“Có rất nhiều chương trình xã hội đang đặt ra ở Nga, và từ năm nay các chương trình này đang bắt đầu được triển khai. Và tất nhiên, người Nga sẽ băn khoăn về việc, liệu điều này có được tiếp tục hay không, liệu những trách nhiệm mà nhà nước đã hứa với người dân có được thực hiện hay không. Rồi liệu cơ sở kinh tế có được đảm bảo để thực hiện các trách nhiệm xã hội này hay không. Về khía cạnh này thì hệ thống chính quyền nhà nước ở Nga đóng vai trò rất quan trọng. Tôi cũng cho rằng việc bầu cử Đuma Quốc gia, và sau đó là bầu cử tổng thống không hề kém quan trọng hơn – tổng thống Nga nói. – Tất cả các cơ quan và các nhánh của chính quyền phải làm việc thống nhất vì lợi ích của các công dân Liên bang Nga. Vì vậy cần phải nói không phải là về người kế nhiệm, mà là về sự kế nhiệm của chính sách đang tiến hành”.

“Tôi cho rằng điều hết sức quan trọng là việc phải đưa vào đời sống thực tế của đất nước chúng tôi các nguyên tắc dân chủ và các cơ quan dân chủ, sự tôn trọng pháp luật và Hiến pháp”, – ông Putin bổ sung. – Đó là cơ sở, nền tảng cho sự ổn định trong nước. Từ những suy nghĩ đó, tôi cho rằng chúng ta phải cho phép nhân dân Nga thực hiện sự lựa chọn có chủ đích rõ ràng của mình cả vào cuối năm 2007 lẫn đầu năm 2008”.
---
Bài đã đăng ở NuocNga.net