Thursday, April 12, 2007

Chúng ta cần Gagarin để làm gì?

Andrey Arkhangelsky (“Ogoniok”)

Lưu Hải Hà (NuocNga.net) dịch

Nước Nga kỷ niệm 150 năm ngày sinh Tsionkovsky bằng một hội đồng quốc gia ở Kaluga và những cuộc tranh luận về việc, rốt cuộc thì chúng ta cần cả vũ trụ ấy để làm gì. Tạp chí “Ogoniok” (Ngọn lửa nhỏ) điểm qua những biểu tượng chính của di sản vũ trụ xô viết, để tìm hiểu – liệu có thể chuyển đổi chúng vào tương lai không.

Ngày 12 tháng 4. Chả còn mấy con tim run lên vì điều đó. Chẳng có khuôn mặt nào còn rạng rỡ bởi nụ cười Gagarin ấy nữa. Bởi vì chúng ta ngày nay không thể hiểu được bản chất của nụ cười ấy.

Chuyến bay của Gagarin là biểu tượng chủ yếu của chủ nghĩa quốc tế vô sản – sự cởi mở của nước Nga với thế giới, và đến bây giờ thế giới vẫn còn công bằng cho rằng sự kiện đó là sự kiện toàn thế giới. Con người ấy có thể cười rạng rỡ như thế, bởi vì anh ấy cảm thấy tự hào vì toàn thể nhân loại.Xã hội ngày nay thì mọi chuyện đều khác hẳn – không phí sức vì những gì thừa thãi, suy nghĩ nhỏ hẹp, chỉ nghĩ về ngôi nhà gia đình. Vì vậy ở nước Nga hậu xô viết không biết làm gì với một brand nổi tiếng toàn thế giới như thế, tất nhiên nếu có thể gọi GAGARIN là brand. Ừ thì bay vào vũ trụ. Ừ thì là người đầu tiên. Thế còn bây giờ thì sao? Tự hào vì anh ấy à? Thế tôi thì được lợi lộc gì từ điều đó?

Cũng có thể chúng ta tôn trọng, nhưng có thể đơn giản chúng ta không có khả năng nhận thức những sự kiện vĩ đại – bởi vì, rất tiếc là chúng ta không tương xứng với quy mô của kỷ nguyên vũ trụ. Chúng tôi đang nói tới tư duy hành tinh, về khả năng tư duy mức độ quốc gia, thế giới. Vũ trụ luôn luôn là ước mơ được yêu thích nhất của loài người – nhưng nền văn minh hiện nay của chúng ta là một nền văn minh nghèo nàn mơ ước. Chúng ta vứt bỏ ước mơ vì không thực dụng – chúng ta quên mất rằng ý tưởng dân tộc – đó cũng là một ước mơ. Hóa ra là chúng ta không có khả năng khai thác chiến thắng của Gagarin đưa nó thành hình tượng mới của đất nước.

Nói chung đó là một điều lạ lùng. Bởi vì khó mà có thể tìm được một nhân vật như thế trong lịch sử của chúng ta, nhân vật có thể khiến TẤT CẢ đồng ý. Về khía cạnh lịch sử Gagarin là người vô tội – anh ấy không làm điều gì hại ai cả. Không ai có thể trách móc Gagarin – kể cả những người yêu nước, những người theo chủ nghĩa tự do, các cộng tác viên Ủy ban an ninh quốc gia, những người theo đảng Limonov, những băng nhóm đầu trọc, hay cả các biên tập viên các tạp chí bìa bóng nhoáng – không ai cả. Chuyến bay của Gagarin – đó là sự kiện nhân đạo nhất trong lịch sử Liên Xô, và chính sự kiện này có thể giúp xây dựng sự thừa kế lịch sử của Liên Xô và Nga. Nhưng cho đến nay Gagarin vẫn nằm ngoài dự án ý thức hệ Nga.

Gagarin và nước Nga hiện nay

Ngày nay Gagarin tưởng như biến khỏi nhận thức quần chúng. Tất cả những đài tưởng niệm, những dãy núi và lỗ khoan mang tên Gagarin đã không làm ký ức về anh trở nên bất tử, mà lại làm chúng mòn đi. Trong khi đó cả văn hóa Xô viết lẫn hậu xô viết đều chưa có một tác phẩm nào tương xứng với tầm vóc sự kiện ngày 12 tháng 4 năm 1961. Nền văn hóa Nga vẫn chưa thể nhận thức được chuyến bay của Gagarin. Sự bão hòa văn hóa chưa xảy ra – mà chính văn hóa mới có khả năng lưu giữ hình ảnh. Hoặc là không lưu giữ. Suốt 46 năm không có một bộ phim điện ảnh nào về Gagarin. Điều này được coi là trách nhiệm quá lớn, và không một đạo diễn nào dám nhận trách nhiệm ấy về mình. Các đạo diễn Nga khi làm phim về đề tài vũ trụ thường thích nấp sau những lời hai nghĩa, biến chủ đề thành phim hài. “Những người đầu tiên trên mặt trăng”, “Vũ trụ như linh cảm”… Còn gì nữa không nhỉ? À, một bài hát rất cũ rồi do Gulaiev hát – “Bạn có biết anh ấy là một chàng trai như thế nào không?”. Ừ, vấn đề ở chỗ chúng ta không biết.

Đúng là nghịch lý – hàng tấn sách viết về Gagarin, hàng kilomet phim quay về Gagarin, nhưng bản thân Gagarin vẫn là một câu hỏi lớn đối với chúng ta. Chẳng có mốc nào để bấu víu cả. Anh ấy là ai? Tất nhiên Gagarin được chọn vì “lý lịch trong sạch” – nhưng vấn đề đâu chỉ ở chỗ đó.

Gagarin – biểu tượng sự cố gắng tột cùng của loài người. Đó là điều dễ hiểu vào những năm 60 – như xu hướng vượt ra khỏi giới hạn của sự cho phép, sự có thể. Ngày nay chúng ta cần Gagarin để làm gì – điều này trở nên dễ hiêu vào những năm 2000, khi người ta thấy rằng thành tựu kinh tế trong thế giới được xác định không chỉ bởi chất lượng hàng hóa, mà cả chất lượng quốc gia nữa. “Những chiếc xe hơi Volkswagen, Ford và Mercedes không khác biệt nhau đến mức nguyên tắc –triết gia Nga Mikhail Ryklin nói. – Trong sự cạnh tranh của chúng thì thể diện của quốc gia sản xuất chúng trở thành luận chứng quyết định, còn thể diện này lại là tổng cộng của rất nhiều thứ tưởng như “thừa thãi”, tưởng như thôi”.

Chúng ta ghi nhớ nhé “thừa thãi”. Tại sao nước Pháp lại là thủ đô của thời trang? Tại sao Nhật bản lại là chuẩn mực của sự chính xác? Tại sao Hoa Kỳ lại là biểu tượng của thành công? Bởi vì người ta đã tốn nhiều công sức để tạo dựng, đánh bóng những hình ảnh ấy. Có thể nói rằng ngày nay các quốc gia hàng đầu trên thế giới dường như đã đăng ký bản quyền một trong số các chất lượng của con người – thẩm mĩ, sự kiên nhẫn, sự cẩn thận, và cuối cùng thì điều này đã trở thành ưu thế trên thị trường. Thế còn nước Nga thì có thành tựu nào chung cho loài người?

Chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Chuyến bay của Gagarin. Và “tâm hồn Nga bí ẩn” lừng danh, nhưng trong kinh tế thì sự bí ẩn chẳng đem lại lợi ích cụ thể gì cho lắm. Ai mà cần một giám đốc bí ẩn nhỉ?

Điều duy nhất độc đáo còn lại trong hình ảnh của nước Nga – đó chính là khả năng vượt lên trên những điều thường nhật của quốc gia này. Làm được bước đầu tiên – ngỡ chỉ là tưởng tượng, bước đầu tiên qua ranh giới những điều tưởng chừng không thể. Biểu tượng của điều này đã và đang là chuyến bay của Gagarin. Gagarin – đó là biểu tượng của chủ nghĩa chuyên nghiệp – nhưng không phải cái chủ nghĩa chuyên nghiệp đang thắng lợi trong các công sở ngày nay, không phải là sự khéo léo của loài khỉ lặp lại những cử động được dạy, mà là chủ nghĩa chuyên nghiệp sáng tạo, tư duy, với một phần mạo hiểm và lãng mạn. Chủ nghĩa chuyên nghiệp lãng mạn – vì việc chung. Và chỉ khi đó mới có thể hiểu được, tại sao chính người Nga lại là những người đầu tiên vào vũ trụ - vì chỉ có một quốc gia đặc biệt mới đủ khả năng làm được điều này.

Bởi vì vào đêm trước xử tử ngày 15/4/1881 người “dân túy” Kibansích vẫn còn vẽ dự án “thiết bị bay” dành cho chuyến bay vào vũ trụ. Bởi vì Tsionkovsky dù bị điếc ở vùng Kaluga – mảnh đất bị chúa lãng quên vẫn nghĩ về những hành tinh khác, “làm việc vì hạnh phúc loài người”. Vì Vernadsky nghĩ về nano quyển khi những năm 18 Matxcơva tiêu diệt tư sản. Bởi vì Korolev, khi bị giam vào tù, không đòi hỏi sự tha thứ, khoan hồng, mà chỉ đòi vật liệu: “Thế chúng tôi làm máy bay từ cái gì bây giờ - làm từ phân chắc?”.

Ước mơ không gì lay chuyển được về bầu trời đã đưa Gagarin tới đó. Nước Nga – đất nước của những Gagarin, của những người lãng mạn cố gắng tột cùng – có thể thiết lập chủ đề chính của hệ tư tưởng mới như vậy. Nhưng hiện tại thì mới chỉ có thể nói về đất nước không có những Gagarin. Và không có cả chuyến bay nữa.

Bài có liên quan

Anh ấy là người đầu tiên đo cuộc đời bằng đếm ngược