Sunday, May 13, 2007

Bộ Giáo dục Nga đặt dấu chấm trên chữ cái "ё"


Aleksandr Rogatkin (Vesti)
Lưu Hải Hà (NuocNga.net) dịch


Nghe làm sao thì viết làm vậy: điều này bây giờ là quy tắc đối với chữ cái bị “ruồng rẫy” nhất của bảng chữ cái Nga. Bộ Giáo dục Nga đã quyết định bắt buộc phải viết thêm hai dấu chấm trên chữ cái này.

Viktor Chumakov không thể ngồi yên nhìn cảnh chữ cái thứ bảy trong bảng chữ cái Nga dần dần biến mất. Vốn trước đây chữ cái này không bắt buộc phải viết đúng dạng của nó, nói chung thì trong sách báo người ta chỉ viết chữ "ё" khi cần làm rõ ý nghĩa của từ hoặc câu, khi viết các danh từ riêng nước ngoài, còn bình thường thì người ta đơn giản hóa chữ cái này thành "е". Thế nên ga Saviolovsky biến thành Savelovsky (Савёловский – Савеловский), còn phố Suschiovskaya thì biến thành Suschievskaya (Сущёвская – Сущевская).

Nhưng bây giờ thì người sáng lập bảo tàng chữ cái "Ё" và thành viên Ủy ban liên bộ về tiếng Nga có thể vui mừng. Ủy ban vốn được chính phủ giao toàn quyền thay đổi quy tắc chính tả, từ này sẽ yêu cầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm về mỗi dấu chấm trong văn bản chính thức. “Trong trường hợp này có thể kiện ra tòa về việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Khi người ta phát hành cuốn sách không có chữ cái "ё", tôi có thể cho rằng cuốn sách này làm tôi khó chịu, và tôi phải bỏ tiền vô ích để mua cuốn sách ấy” – ông Chumakov nói

Tất nhiên là đối với họ của nghệ sĩ dạy thú nổi tiếng Yuri Kuklachiov (Юрий Куклачёв) thì có thể viết trên áp phích thế nào cũng được – chắc chắn khán giả không nhầm. Nhưng khi chuẩn bị các hợp đồng và giấy tờ thì yêu cầu phải khớp với số liệu trong hộ chiếu. Thế là hai dấu chấm trên đầu chữ "ё" gây chuyện, và Kuklachiov phải làm lại giấy tờ. “Thiếu hai dấu chấm! Chúng không có ở nước Nga, đó là điều ngầm hiểu”, - nghệ sĩ nhân dân Yuri Kuklachiov nói.

Đài kỷ niệm chữ cái "ё" ở vùng Ulianovsk

Trong việc đấu tranh cho quyền lợi chữ cái "ё" thì vùng Ulianovsk hoạt động rất tích cực. Ở đó người ta đã dựng cả một đài kỷ niệm cho chữ cái này – thế đấy, chữ cái này gần như biến mất khỏi cuộc sống thông thường, thế thì hãy để ký ức về nó sống mãi trong đá granit. Nhưng đích thân ông Sergei Morozov, thống đốc vùng Ulianovsk đã ra tay vì chữ cái này. “Sẽ ban hành một sắc lệnh của thống đốc, trong đó bắt buộc các công chức phải sử dụng chữ cái "ё", – ông thông báo. Tất cả các công chức đều phải trả thi môn tiếng Nga và quy tắc sử dụng chữ cái "ё". Có tới 50 công chức không vượt qua được thử thách này. Tuy họ không bị sa thải, nhưng được khuyến cáo vài lần hãy tới dự giờ các học sinh lớp một.

Tất nhiên "е" и "ё" – là hai chị em ruột, và phân biệt chúng không dễ dàng. Câu chuyện là hai dấu chấm trên đầu chữ cái có thể thay đổi ý nghĩa từ đã viết được dạy từ khi người ta còn học trường tiểu học. “Đó không phải là lỗi lớn, nhưng vẫn là lỗi. Bởi vì trẻ em phải viết đúng chính tả từ lớp một, khi các em học cách viết chữ”, – bà Tachiana Katkova, hiệu trưởng trường tiểu học số 2010 ở Matxcơva nói.

Nhưng tới khi tốt nghiệp phổ thông thì học sinh đã bắt đầu quên về những dấu chấm, và điều này không bị tính là lỗi, thậm chí cả trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Do đó việc đưa chữ cái "ё" trở lại phải tiến hành từ từ, và Bộ Giáo dục Nga đề xuất rằng sẽ còn vài năm nữa việc viết giản lược chữ cái "ё" chưa bị trừ điểm. Nhưng theo lời ông Andrei Fursenko, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nga thì các công chức chắc chắn sẽ không được nương tay. “Chúng tôi sẽ đấu tranh vì điều này – Bộ trưởng hứa. – Việc từ bỏ những điểm đặc biệt nhỏ nhất của ngôn ngữ sẽ làm ngôn ngữ trở nên nhạt nhẽo hơn, và như vậy, sẽ làm tất cả chúng ta yếu hơn”.

Tất nhiên là cũng có những người phản đối việc này. Bởi vì trong một số tác phẩm của các nhà văn cổ điển Nga chữ cái "ё" bị bỏ sót, hoặc là nếu viết như trong tiếng Nga hiện đại thì một số bài thơ sẽ bị mất vần.

Nhưng Bộ trưởng Fursenko phản đối – có thể các nhà văn cổ điển không đúng chính tả, nhưng chúng ta yêu cầu để học sinh viết đúng.

Tuy nhiên người ta hứa rẳng sẽ không “đụng chạm” đến các nhà văn cổ điển, mà chỉ giới hạn việc bắt buộc viết đúng chữ cái "ё" trong các văn bản, họ và các tên địa lý.

Bài có liên quan
222 năm chữ cái "ё"

Tấm gương dành cho Vũ trụ

Anđrây Trischiakov (Vesti)
Tường Vân (NuocNga.net) dịch





Một chiếc gương lớn đang được đem từ Karachaevo – Cherkessia tới Matxcơva. Nhờ chiếc gương này người ta có thể nhìn vào Vũ trụ. Vật phản xạ của chiếc kính thiên văn lớn nhất Âu- Á này cho phép các nhà thiên văn học nghiên cứu các đối tượng cách xa Trái Đất hàng tỷ năm ánh sáng. Để cho những hình ảnh từ vũ trụ rõ ràng hơn, người ta sẽ mài tấm gương này hai năm ở nhà máy Lytkarino.

Một cộng tác viên của Đài vật lý thiên văn đặc biệt kể cho du khách về chiếc kính thiên văn quang học phương vị độc nhất vô nhị này của Nga. Du khách không ngờ rằng sau những câu chuyện về sự ra đời của đài thiên văn và những phát minh sinh ra ở đây, họ còn được tận mắt mình chứng kiến một công việc cũng độc nhất vô nhị - vận chuyển chiếc gương. Khoảng 15 sensor cảm ứng đặc biệt nhạy cảm, giá đỡ mềm và các giá đỡ đặc biệt giữ vị trí tấm gương, trên sàn 10 trục là niềm tự hào của ngành vật lý thiên văn Nga



Trong một công tai nơ được chế tạo đặc biệt, chiếc gương chính của kính thiên văn lớn này với khối lượng trên 40 tấn đã trải qua hành trình dài hai ngàn kilomet. Suốt chặng đường này, như các chuyên gia nói, chiếc gương không phải chịu bất kỳ áp lực nào, để không bị lệch cả theo phương thẳng đứng cũng như phương ngang thậm chí chỉ đến phần mười milimet.

Hiện nay ở Nga có hai vật thủy tinh khổng lồ như thế. Cả hai thiết bị thiên văn này đều ở Karachaevo – Cherkessia. Một trong số chúng đang cần phải sửa chữa hoặc mài lại bề mặt. Những vết xây xát đã xuất hiện từ lúc sản xuất chiếc gương thủy tinh này vào hồi giữa những năm 70 thế kỷ trước. Thời gian trôi qua, và những vết xây xát ấy bắt đầu làm sai lệch các tia vũ trụ. “Chúng tôi không ngủ được nhiều đêm, nghĩ về việc phải kéo đầu nào để không làm nứt gương” – đó là lời ông Yuri Mamechev, người phụ trách chiếc kính thiên văn phương vị lớn của Đài vật lý thiên văn đặc biệt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ông cũng nói rằng “thực tế, các thiết bị chính xác cao đòi hỏi phải nghĩ ngợi kỹ lưỡng từng bước một, và phải chuẩn bị hết sức kỹ càng. Dự án này được chuẩn bị từ năm 84”.

Các nhà khoa học nói rằng thời tiết hôm nay đã không gây khó khăn cho họ. Ngày hôm trước, một front không khí lớn đã suýt làm hỏng chương trình này. Bởi vì chuyển động của công tai nơ (đường kính của nó là 8 m) phải thống nhất với nhiều cơ quan chức năng. “Cuối cùng có quyết định rằng phải đi vòng qua một chiếc cầu. Vì thế, trong vùng này, trên lãnh thổ Cherkessia phải làm một con đường vòng dài 800 m để đảm bảo an toàn vận chuyển” – ông Mahomet Abdulkadyrov, kỹ sư trưởng Nhà máy thủy tinh quang học Lytkarino kể.



10 kilomet một giờ với những khoảng dừng giữa chừng. Các lái xe theo dõi tình trạng khuôn phanh và độ cong của mỗi vòng cua. Còn chiếc xe ô tô đi đầu đoàn xe thì ra hiệu lệnh cho những chiếc xe ngược chiều quay lại. Suốt 17 km đầu tiên họ đi theo đường núi. Sau đó họ còn phải đi tới Rostov trên sông Đông, nơi họ sẽ đưa công tai nơ xuống tàu thủy. Chiếc tàu này sẽ đưa kính thiên văn tới vùng Matxcơva theo kênh đào Volga – sông Đông.

Thiếu tá Vikhr huyền thoại nhận danh hiệu “Anh hùng Liên bang Nga”

Valentin Bogdanov (Vesti)
Hoàng Lan
(NuocNga.net) dịch


Chiến công chủ yếu của Aleksei Nhikolaievich Bochan diễn ra vào tháng giêng năm 1945: ông đã tiến hành hoàn hảo một chiến dịch nghi binh diễn ra trước khi giải phóng thành phố Krakow. Sự kiện này là cơ sở của một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất thời đó của Julian Semenov, còn bản thân Bochan trở thành nguyên mẫu của thiếu tá Vikhr huyền thoại trong bộ phim truyền hình nhiều tập cùng tên do Liên Xô sản xuất.

Vào những ngày này có một người nói về sự tôn trọng với di hài của người đã khuất. Đó là người đã tự mình chôn cất không ít những người bạn chiến đấu mặt trận. Aleksei Nhikolaievich Bochan năm 1941 đã chiến đấu với người Đức bảo vệ Matxcơva, sau đó tham gia phong trào du kích tại vùng rừng núi Ukraina và Belorussia, nhưng chiến công chủ yếu của ông được thực hiện vào tháng giêng năm 1945: ông đã tiến hành hoàn hảo một chiến dịch nghi binh diễn ra trước khi giải phóng thành phố Krakow. Sự kiện này là cơ sở của một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất thời đó của Julian Semenov, còn bản thân Bochan trở thành nguyên mẫu của thiếu tá Vikhr huyền thoại trong bộ phim truyền hình nhiều tập cùng tên do Liên Xô sản xuất. Ngày 10/5/2007 vừa qua tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga cho Aleksei Nhikolaievich Bochan.

Ba tháng trước Aleksei Nhikolaievich Bochan bước sang tuổi 90, nhưng ông vẫn còn chơi bóng chuyền, đi xe đạp. Các bước đi của ông vẫn mạnh mẽ. Thậm chí có thể quay bộ phim “Thiếu tá Vikhr -2” bây giờ cũng được. Ông vẫn tràn đầy năng lượng – chính vì thế mà đã được nhận vào ngành tình báo.

“Không nên là một người suốt ngày than thở. Và tôi cũng không bao giờ nhận những người ưa than thở vào làm việc trong nhóm của mình, tôi không cần những người như thế” – cựu binh tình báo Nga Aleksei Bochan nói.



Aleksei Nhikolaievich Bochan là người cùng tuổi với Cách mạng tháng Mười. Ông sinh ra ở Tây Bêlôrussia, vùng đất về sau bị sát nhập vào Ba Lan. Ông ra mặt trận năm 1939 trong đạo quân của Pilsudski. Khẩu pháo phòng không của ông đã bảo vệ bầu trời Varsava, bắn hạ ba chiếc “Gioongke”. Sau đó là quá trình rút lui và ông bị Hồng quân bắt làm tù binh. Nhưng Bochan đã chạy thoát sau khi vận dụng tài năng đặc biệt của mình lần đầu tiên. Ông thay chiếc áo lính bằng chiếc áo thầy giáo ở vùng Vilensk một thời gian ngắn, và sau đó thì theo giới thiệu của Đoàn Thanh niên cộng sản Komsomol ông gia nhập trường đào tạo của NKVD. Vì giỏi tiếng Ba Lan, Bochan đã trở thành một người không thể thay thế được trong thời gian các chiến dịch đặc biệt của tình báo Liên Xô ở Ba Lan. Hiện nay ở thành phố Ilzh vẫn còn một dấu hiệu đặc biệt nhắc về điều đó. “Trung úy Aliosa” – đó là về Bochan. Nhóm của ông phải tới Krakow, nhưng các binh sĩ đạo quân Liudova đã khẩn khoản đề nghị họ giải phóng các đồng chí hoạt động bí mật của mình.

“Họ nói: “Các anh là những người du kích Xô viết mà. Chúng tôi chờ các anh như những người cứu mạng. Hãy giúp chúng tôi!”. Tôi đồng ý. Cũng may là mọi việc đều xảy ra tốt đẹp, chúng tôi không bị thiệt hại gì” – Aleksei Bochan nhớ lại.

Mục tiêu tiếp theo của họ trên con đường tới Krakow là lâu đài Jagiello. Cung điện cổ xưa của các nhà vua Ba Lan bị bọn phát xít biến thành kho vũ khí và chất nổ. Chúng muốn phá hủy những cây cầu qua Dunajec và đập Czrosztyn. Nếu như không có Bochan thì có lẽ cuộc tấn công của Hồng quân vào Krakow sẽ bị chậm lại tới vài tuần. Họ đã mua chuộc được một trong những viên cảnh sát ở đây. “Tất cả những cây cầu và đường sắt đều nguyên vẹn – chúng không làm gì được cả” – nhà tình báo huyền thoại hồi tưởng lại.


Bochan đã có hai cơ hội trở thành Anh hùng Liên Xô: năm 1943 do chiến công diệt 80 sĩ quan Đức tại vùng Zhitomir và năm 1965 – theo kiến nghị tập thể của các đồng đội trong trung đoàn. Nhưng cả hai lần các cấp trên sau khi thảo luận đều chỉ tặng cho ông Huân chương Cờ Đỏ. Họ ngần ngại vì có thời gian ông đã là hạ sĩ quan dưới quyền Pilsudski. Nhưng ông đã đợi được phần thưởng của mình. Ba tháng sau khi kỷ niệm ngày lễ thượng thọ ông đã nhận được phần thưởng quan trọng nhất của đất nước. Không phải là món quà cho ngày sinh nhật, đó là món quà cho cả cuộc đời hiến dâng cho Tổ quốc. Và Tổ quốc vẫn nhớ người anh hùng của mình.