Thursday, October 4, 2007

Chuyện một lần phóng vệ tinh đã thay đổi thế giới


50 năm ngày phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên 4/10/1957 – 4/10/2007

Von Simone Schlindwein (Spiegel)
Lưu Hải Hà (NuocNga.net) dịch


Vệ tinh chỉ biết kêu bíp bíp – không biết làm gì hơn. Dù vậy, vệ tinh Xô viết đầu tiên đã khiến cả Washington bị sốc. Ở Mỹ không ai nghĩ tới việc vệ tinh này được phóng, mà nói chung thì ở Matxcơva cũng thế thôi.

Chiều ngày 4/10/1957, khi vệ tinh này đang bay vòng thứ hai vòng quanh Trái đất, thì tại buổi hội kiến tại Đại sứ quán Liên Xô tại Washington có mặt vài chục nhà khoa học chuyên về các khoa học Trái đất đến từ nhiều nước khác nhau. Và chưa ai trong số đó biết rằng, vệ tinh mà họ dự định phóng với mục đích nghiên cứu khoa học hiện đã đang bay quanh Trái đất.

Trong buổi chiều thứ sáu hôm ấy các nhà khoa học “đánh dấu” bế mạc một hội thảo được tổ chức nhân dịp Năm Địa vật lý Quốc tế. Từ tháng 7/1957 cho tới tháng 12/1958, trong giai đoạn mặt trời hoạt động tích cực nhất, các nhà khoa học dự định nghiên cứu tác động của hoạt động mặt trời tới từ trường Trái đất từ vũ trụ. Tất nhiên là phải có sự giúp đỡ của vệ tinh.

Trong giai đoạn căng thẳng đó của thời kỳ chiến tranh lạnh, thì một dự án hợp tác khoa học là một sự kiện hết sức đặc biệt. Mà nói chung thì buổi hội kiến long trọng tại Đại sứ quán Liên Xô thì cũng thế thôi – khi đó các nhà khoa học nguyên tử từ hai phía bức màn sắt cùng làm việc để chế tạo loại bom mới và những tên lửa đẩy liên lục địa.

Trong năm 1955 chính quyền Mỹ tuyên bố rằng Mỹ muốn phóng vệ tinh nhân dịp Năm Địa vật lý Quốc tế. Bốn ngày sau đó thì Liên Xô cũng tuyên bố điều này, mặc dù cũng chẳng nói gì cụ thể về những kế hoạch của mình. Tại cuộc hội kiến ở Đại sứ quán, các nhà khoa học hy vọng rằng cuối cùng thì họ cũng có thể biết được điều gì đó về dự án vũ trụ của Liên Xô. Nhưng họ không thể ngờ rằng họ sẽ được biết nhiều điều đến thế.

Cơ hội cho Korolev: hai tên lửa thừa

Thông báo về việc vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người đã được Liên Xô đưa lên vũ trụ đã làm cho người Mỹ kinh ngạc. Các nhà khoa học Liên Xô thì lúng túng nhận những lời chúc mừng. Đại diện các nhà khoa học Liên Xô – Anatoly Blagonravov buộc phải thừa nhận rằng, quả cầu nhôm nặng gần 84 kg, bán kính 58 cm không đem theo bất kỳ thiết bị khoa học nào, ngoại trừ một cái nhiệt kế và thiết bị phát sóng ngắn.

Vệ tinh chỉ kêu bíp bíp – không biết làm gì hơn. Tuy nhiên tác động chính trị của "chú bé" và những tín hiệu của vệ tinh mà bất kỳ người chơi radio nghiệp dư nào cũng có thể bắt được là hết sức to lớn.

Thậm chí Liên Xô cũng không nghĩ tới một hiệu ứng tương tự, bởi vì họ chỉ nghĩ rằng vệ tinh này là một lối ra nhanh chóng và đơn giản trong tình huống khó khăn lúc bấy giờ. Khi phóng thử tên lửa liên lục địa R-7 thì mô hình đầu đạn hạt nhân thay vì đi tiêu diệt mục tiêu lại bị cháy trong khí quyển – thế là phải làm lại toàn bộ. Khi đó họ chỉ còn có hai tên lửa nữa mà còn phải thử nghiệm, trong lúc các kỹ sư hoàn tất đầu đạn. Và họ đã đưa ra một quyết định hoàn toàn không có trong kế hoạch lúc trước: thay vì phóng tên lửa chỉ để thử nghiệm, thì những tên lửa này còn có thể sử dụng để phóng vệ tinh.

Tuy nhiên thiên thể nhân tạo có trong các kế hoạch này và sẽ được sử dụng để đo từ trường Trái đất, khi đó vẫn còn chưa tồn tại. "Thì Viện Hàn lâm khoa học không kịp chế tạo thiết bị đúng thời hạn, điều thường xuyên xảy ra ấy mà" – ông Boris Chertok, công trình sư hệ thống điều khiển R-7 lúc đó, nay đã 96 tuổi, hồi tưởng lại.

Khi đó Tổng công trình sư Sergei Korolev bèn đề nghị nhanh chóng chế tạo một vệ tinh đơn giản không mang theo bất kỳ thiết bị khoa học nào. Trong trường hợp ngược lại, Chertok nói, quá trình chờ đợi có thể bị kéo dài, và hoàn toàn có thể là khi đó người Mỹ sẽ phóng vệ tinh của mình trước.

Yuri Gagarin và Sergei Korolev.


Chuyện Mỹ đã có thể thắng cuộc chạy đua vào vũ trụ, và tại sao người Nga lại vẫn là những người đầu tiên

Một quyết định y như thế có thể đã được thông qua ở Mỹ - bởi mùa hè năm 1957 trong các cuộc thử nghiệm tên lửa thì các kỹ sư Mỹ đã vượt các đồng nghiệp Nga của mình khá xa. Họ (các kỹ sư Mỹ) chỉ còn việc trang bị thêm tầng trên cùng cho tên lửa, và với sự giúp đỡ của tầng này, như Korolev đề nghị, phóng vệ tinh vào vũ trụ.

Tuy nhiên, khác với Liên Xô, ở Mỹ có hai dự án tên lửa riêng biệt: một dự án quân sự hoàn toàn tuyệt mật, được thực hiện dưới sự chỉ đạo của người Đức Wernher von Braun; và dự án khoa học Vanguard. Khác với tên lửa quân sự Atlas, các kỹ sư Mỹ gặp nhiều khó khăn với tên lửa đẩy Vanguard, mà tên lửa này là tên lửa dự định phóng vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ. Đến tận tháng ba năm 1958 thì tất cả các lần phóng thử tên lửa này đều kết thúc thất bại.

Tại bãi thử bí mật ở Kazakhstan mà khi đó vẫn còn chưa được trang bị đầy đủ, mùa hè năm 1957 các kỹ sư tên lửa của Liên Xô bấy giờ cũng gặp những thất bại tương tự. Tên lửa R-7, vốn được thiết kế cho các mục đích quân sự, ban đầu cũng không muốn bay lên. Bảy trong số tám lần phóng tên lửa này trước khi phóng vệ tinh đều kết thúc thất bại. Chỉ có một lần duy nhất, vào tháng tám, tên lửa R-7 đã bay qua rừng tai ga Sibiri và bắn trúng mục tiêu của mình trên bán đảo Kamchatka ở Thái Bình Dương.


Chó Laika bay vào vũ trụ

Tuy nhiên các kỹ sư không thể nào đảm bảo được rằng lần phóng sau tên lửa lại cũng sẽ bay lên. Vì vậy mà dự án phóng vệ tinh vẫn là một dự án tuyệt mật cho tới khi mà vệ tinh vẫn còn chưa được đưa lên quỹ đạo gần Trái đất. Nhưng cả Khrushchev lẫn Korolev đều không thể ngờ rằng việc phóng vệ tinh thành công sẽ gây nên cơn sốc thật sự ở Mỹ. Tờ New York Times đăng thông báo về việc phóng vệ tinh ngay trên trang đầu.

Khi Khrushchev nhận được báo cáo đầy đủ về phản ứng của Mỹ, ông gọi Korolev tới gặp – Chertok kể lại. Thực sự, bây giờ chúng ta không cần bom khinh khí nữa. Nhờ phóng cái vệ tinh vô hại này mà chúng ta đã nhận được còn nhiều hơn so với việc thử bom khinh khí, Tổng Bí thư Nikita Khrushchev nói với Korolev.


Sản phẩm của một người nhiệt tình ngoan cường


Người ta dự định phóng vệ tinh thứ hai vào khoảng thời gian gần ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười. Tuy nhiên phóng một vệ tinh trống không như lần trước thì rõ ràng không có ý nghĩa gì, Chertok nói. Chính vì vậy mà xuất hiện ý tưởng đưa một chú chó vào vũ trụ. Người công trình sư này cười và kể rằng hồi đó họ còn không có cả bản vẽ kỹ thuật. Tổng công trình sư Korolev chỉ đạo trực tiếp cho các kỹ sư trong các phân xưởng – cái gì gắn vào đâu.

Ngày 3/11/1957 chú chó Laika bay vào vũ trụ - và Liên Xô lại tận hưởng hương vị thành công ngọt ngào. Chỉ mãi sau này công chúng mới được biết rằng Laika không sống trên quỹ đọa lâu hơn một tuần.

Cho tới tận ngày nay các kỹ sư tên lửa Nga và các nhà sử học các chuyến bay vũ trụ đều thừa nhận rằng Liên Xô đã vượt Mỹ và bay vào vũ trụ đầu tiên trước hết là nhờ có người nhiệt tình ngoan cường Korolev. "Cái chất của Korolev năm 1966 đã trở thành một cú đánh quá nặng đối với chúng tôi" – Chertok nói. Người phó của ông, Vasily Mishin lên thay chỗ của Korolev là một kỹ sư rất tài năng. "Nhưng anh ấy không có tài lãnh đạo của Korolev. Cũng như không có được ảnh hưởng tới các nhà lãnh đạo, tương tự như ảnh hưởng mà Korolev có".

No comments: